Thách thức lớn nhất đe dọa không quân Trung Quốc
Trung Quốc không thể xây dựng một lực lượng quân sự mạnh mẽ, đặc biệt là không quân, trong bối cảnh vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Nga.
Động cơ nội địa Trung Quốc có độ tin cậy kém, lực đẩy ở mức trung bình.
Nền tảng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nổi tiếng vì thường xuyên “vay mượn” các thiết kế nước ngoài, đặc biệt là trong ngành hàng không vũ trụ, chuyên gia Robert Farley nêu vấn đề trên tạp chí National Interest.
Gần như toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc ngày nay chịu ảnh hưởng của các phiên bản nước ngoài. J-10 được cho là mẫu máy bay thiết kế lại của chiếc IAI Lavi của Israel và F-16 của Mỹ. J-11 được nhận xét là bản sao của Su-27 Nga. JF-17 là phiên bản cải tiến hiện đại của MiG-21 Nga, trong khi J-20 có nét tương đồng với F-22 của Mỹ. Gần đây nhất, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói chiếc FC-31 đánh cắp thiết kế của tiêm kích tàng hình F-35.
Trung Quốc rất thèm khát động cơ Nga trang bị cho chiến đấu cơ Su-35 và Su-57.
Là nước đi sau trong việc phát triển công nghệ vũ khí, vay mượn thiết kế nước ngoài giúp Trung Quốc tiết kiệm thời gian và tiền bạc, theo chuyên gia Farley. Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến Trung Quốc gặp khó khăn về công nghệ do thiếu dữ liệu thử nghiệm và hệ sinh thái công nghiệp. Vấn đề lộ rõ khi Trung Quốc mất nhiều năm nghiên cứu, nhưng vẫn loay hoay không chế tạo được một động cơ mạnh mẽ và có chất lượng cao.
Các kỹ sư Trung Quốc chế tạo được một số động cơ “nhái” của Nga, nhưng hiệu suất không cao, vòng đời thấp nên chỉ được sử dụng cho các tiêm kích hạng nhẹ. Kết quả là Trung Quốc chưa thể sản xuất đại trà tiêm kích tàng hình J-20 và buộc phải “dùng tạm” các động cơ WS-10B cải tiến, là phiên bản nâng cấp của động cơ trên các tiêm kích J-10, J-11.
Nếu chưa thể chế tạo được động cơ đáng tin cậy, Trung Quốc vẫn sẽ cần mua động cơ Nga. Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến các động cơ ALS-117S mà Nga trang bị cho chiến đấu cơ Su-35. Nhưng Nga luôn khẳng định không bán riêng động cơ mà chỉ bán kèm máy bay.
Về khả năng Trung Quốc sao chép động cơ ALS-117 sau khi đã mua phi đội chiến đấu cơ Su-35, chuyên gia Farley cho rằng điều này là không hề dễ dàng. “Nga đã có biện pháp chống sao chép đi kèm. Mở tung động cơ ALS-117 nghĩa là động cơ này sẽ bị hỏng hoàn toàn, không thể ráp lại được và Trung Quốc sẽ có thêm một chiến đấu cơ vô dụng vì không có động cơ”, chuyên gia Farley phân tích.
J-20 chưa thể được sản xuất đại trà vì thiếu động cơ uy lực.
Bên cạnh đó, việc không tôn trọng các biện pháp bảo vệ bản quyền của Nga như cam kết có thể sẽ khiến Moscow quay lưng, không tiếp tục bán vũ khí cho Bắc Kinh.
Một giải pháp khác là Trung Quốc sử dụng ngành công nghiệp máy bay phản lực dân sự làm bàn đạp phát triển, từ đó ứng dụng vào quân sự. Tập trung vào hàng không dân dụng sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn với các công ty phương Tây đồng thời mở ra thị trường xuất khẩu mới cho công nghệ hàng không Trung Quốc.
Ngay cả trong trường hợp này, cũng không hề dễ dàng để Trung Quốc thuyết phục công ty phương Tây chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ máy bay. Áp lực chính trị hoặc nguy cơ đánh cắp công nghệ có thể khiến các công ty hàng không vũ trụ phương Tây sợ hãi khi đầu tư vào sản xuất của Trung Quốc, chuyên gia Farley nhận định.
Có thể nói, dù đầu tư theo cách nào thì Trung Quốc cũng không thể sớm làm chủ công nghệ chế tạo động cơ phản lực uy lực trong tương lai gần. Làm chủ thiết kế động cơ máy bay chiến đấu mở ra cơ hội để Trung Quốc tối đa hóa hiệu quả của không quân, theo chuyên gia Farley.
Trung Quốc hôm 17.12 đã biên chế tàu sân bay Sơn Đông với những tham vọng lớn, nhưng giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay...
Nguồn: [Link nguồn]