Thách thức Hàn Quốc đối mặt sau vụ loạt UAV Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ

Vụ 5 máy bay không người lái Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc gần đây đặt ra những thách thức mới với Seoul, khi các chiến lược đối phó Bình Nhưỡng lâu nay chỉ nhằm vào chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Mẫu UAV Triều Tiên từng xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc năm 2017.

Mẫu UAV Triều Tiên từng xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc năm 2017.

Lực lượng phòng thủ Hàn Quốc đã hoàn toàn bất ngờ và bị động khi Triều Tiên phóng 5 máy bay không người lái (UAV) sang lãnh thổ vào ngày 26/12. Một trong số các UAV thậm chí còn xâm nhập vào khu vực phía bắc thủ đô Seoul.

Vụ việc là lần đầu tiên sau 5 năm UAV Triều Tiên vượt qua đường biên giới giữa hai nước và được phát hiện công khai.

Trong 5 giờ cố gắng ngăn chặn UAV, các chiến đấu cơ và trực thăng quân sự Hàn Quốc đều bắn trượt mục tiêu. Vụ việc cho thấy Hàn Quốc hoàn toàn có thể hứng chịu thiệt hại nếu Triều Tiên sử dụng UAV cho mục đích tấn công.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) của Hàn Quốc ngày 27/12 đã mở cuộc kiểm tra các đơn vị biên giới để đánh giá thiếu sót liên quan đến việc ngăn chặn UAV Triều Tiên. Các UAV được cho là dài khoảng 2 mét.

Phản ứng trước các luồng dư luận nói rằng Hàn Quốc không có năng lực ngăn chặn UAV, quân đội nước này nêu các thách thức như khó phát hiện UAV cỡ nhỏ và không dễ dàng đánh chặn nếu UAV xuất hiện ở khu vực dân cư.

"Có những hạn chế đáng kể khi phát hiện và theo dõi các UAV có chiều dài dưới 3 mét", phát ngôn viên JCS, Lee Sung Jun nói, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap. "Chúng tôi cũng cần tránh gây thiệt hại cho dân thường".

Trong sự cố ngày 26/12, Hàn Quốc huy động máy bay cánh quạt ngăn chặn UAV do các máy bay phản lực không phù hợp để ngăn chặn các vật thể nhỏ và di chuyển với vận tốc khoảng 100 km/giờ.

Tuy vậy, việc không thể bắn trúng UAV cho thấy quân đội Hàn Quốc cần sự cải thiện, theo các nhà phân tích. "Đây là lời nhắc nhở để quân đội Mỹ và Hàn Quốc đưa ra các sửa đổi, xây dựng mạng lưới phòng thủ phù hợp chống UAV", Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng tại tập đoàn RAND có trụ sở ở Mỹ, nói. 

"Việc UAV xâm nhập vào Seoul được coi là tuyên bố quan trọng về năng lực quân sự của Triều Tiên", ông Bennett nói thêm.

Để đối phó UAV hiệu quả, ông Bennett đề xuất Hàn Quốc xây dựng mạng lưới gây nhiễu điện tử ở biên giới, huy động các chiến đấu cơ được trang bị hệ thống gây nhiễu để ngăn chặn tín hiệu liên lạc giữa UAV và ở sở chỉ huy Triều Tiên. Đối với các UAV cỡ nhỏ, bị chặn tín hiệu đồng nghĩa mất khả năng điều khiển và rơi xuống đất.

Hàn Quốc cũng cần trang bị các vũ khí chuyên đánh chặn UAV cho lực lượng tuần tra biên giới, do sử dụng tên lửa hay đạn pháo tỏ ra kém hiệu quả.

Theo các chuyên gia, chương trình phát triển UAV của Triều Tiên dù ít được nhắc tới, là cách để nước này đối phó với ưu thế vượt trội về chiến đấu cơ của Hàn Quốc.

"Triều Tiên muốn chứng minh rằng nước này có năng lực tấn công phi đối xứng, gây tác động tâm lý đáng kể tới Hàn Quốc sau vụ 5 UAV vượt biên giới", Nam Chang-hee, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Inha, nói.

Triều Tiên được cho là đã phát triển UAV từ những năm 1990, chủ yếu là nhằm nâng cao năng lực trinh sát. Triều Tiên có thể sở hữu khoảng 1.000 UAV, bao gồm mẫu UAV Banghyun mua từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc sở hữu nhiều UAV công nghệ cao, bao gồm 4 chiếc Global Hawk mua của Mỹ giai đoạn năm 2019 - 2020.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân đội Hàn Quốc bị phê bình vì bắn trượt hết máy bay không người lái Triều Tiên

Ngày 27/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ thúc đẩy việc thành lập một đơn vị quân đội chuyên về máy bay không người lái, phê bình cách quân đội đối phó với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Yonhap ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN