Thách thức của Trung Quốc trong "Vành đai, Con đường" tại Đông Nam Á
Các dự án trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc tại Đông Nam Á đang gặp nhiều thách thức dai dẳng, cản trở tốc độ triển khai.
Những thách thức dai dẳng
Đầu tháng 6 này, Viện ISEAS-Yusof Ishak (trụ sở tại Singapore) đã công bố một báo cáo mang tên “Đánh giá sáng kiến Vành đai, Con đường tại Đông Nam Á trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Báo cáo đã làm nổi bật lên những mối quan ngại về chi phí môi trường, xã hội liên quan tới Sáng kiến “Vành đai, Con đường” vẫn dai dẳng, ảnh hưởng tới nhận thức của người dân địa phương về việc Bắc Kinh đẩy mạnh thương mại toàn cầu đồng thời có khả năng làm ảnh hưởng tới triển vọng lâu dài của các dự án liên quan nếu không được giải quyết triệt để.
Một công nhân Trung Quốc làm việc tại Luang Prabang trong dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Lào-Trung Quốc. Ảnh – AFP
Tại Indonesia, nơi có 40 dự án nằm trong sáng kiến trên - số lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có rất nhiều quan ngại rằng các lao động thiếu kỹ năng từ Trung Quốc đổ xô tới nước này, chiếm mất việc làm của người dân địa phương khiến người dân địa phương căng thẳng – theo nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak.
Năm 2020, nhiều sinh viên trên đảo Sulawesi của Indonesia đã tổ chức biểu tình phản đối vì cho rằng, các lao động nước ngoài “bất hợp pháp” đang cướp lao động từ người dân địa phương, thậm chí chặn ô tô rời sân bay tại Kendari để truy tìm công dân Trung Quốc.
Hai năm qua, vì những hạn chế về đi lại, phong tỏa và nhiều giới hạn khác trong thời gian dịch bệnh nên nỗ lực thúc đẩy dự án “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh đã bị gián đoạn. Song, nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak đều nhận thấy Bắc Kinh vẫn cam kết thúc đẩy các dự án này tại Đông Nam Á. |
Trong khi đó, tại Lào, với 12 dự án “Vành đai, Con đường”, theo Viện ISEAS-Yusof Ishak, báo cáo cho thấy có rất nhiều dân làng vẫn đang chờ những khoản bồi thường để di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng lớn như các đập lớn trên Sông Mekong và đường sắt cao tốc đầu tiên với Trung Quốc.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu tại Singapore còn chỉ ra nhiều đập của Trung Quốc có liên quan tới tình trạng hạn hán thường xuyên và mất nguồn cá, đất canh tác ở các nước hạ nguồn.
“Đông Nam Á đã nổi lên để trở thành một địa điểm đầu tư trong sáng kiến ‘Vành đai, Con đường’ hàng đầu trong năm 2020, dù hoạt động đầu tư đường bộ, vành đai của Trung Quốc trên toàn cầu giảm mạnh – ông Wang Zheng, học giả công tác tại Viện ISEAS-Yusof Ishak và tác giả của nghiên cứu trên chỉ ra.
“Tuy nhiên, vì những thách thức từ đại dịch cũng như những quan ngại từ người dân địa phương về cái giá phải trả đối với môi trường, xã hội gần như sẽ cản trở tiến trình thực hiện dự án vành đai và con đường trong khu vực” – ông Wang nói.
Chuyển hướng y tế, công nghệ thông tin
Hiện tại, hầu hết các dự án liên quan tới sáng kiến “Vành đai, Con đường” đều tập trung vào năng lượng (29%), giao thông (23%) và kim loại (18%). Tuy nhiên, theo thống kê dữ liệu, Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa các dự án này bằng cách mở rộng sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe, viễn thông, giáo dục.
“Đại dịch đã thúc đẩy Trung Quốc xoay trục sang hạ tầng “mềm” như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kinh tế điện tử, đặt các lĩnh vực này lên ưu tiên khi tham gia vào kinh tế trong khu vực” – ông Wang nói và chỉ ra sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của “Con đường tơ lụa y tế” và “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” trong chương trình nghị sự về “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.
Sự tham gia của Trung Quốc trong ngành chăm sóc y tế toàn cầu đã tăng 246% từ 130 triệu USD trong năm 2020 lên 450 triệu USD vào năm 2021, theo số liệu từ Báo cáo Đầu tư sáng kiến “Vành đai, Con đường” Trung Quốc năm 2021.
Một dự án đập của Lào do Trung Quốc xây dựng tại Luang Prabang năm 2019. Ảnh - Shutterstock
Điển hình như Bệnh viện Hữu nghị Campuchia – Trung Quốc Preah Kossamak tại Phnom Penh từ nguồn vốn đầu tư của chính phủ Trung Quốc và 1 bệnh viện thông minh 5G tại Thái Lan vốn là dự án hợp tác chung với Bệnh viện Siriraj được ra mắt vào tháng 12 năm ngoái; hay như Công ty Công nghệ Huawei chi nhánh Thái Lan…
“Con đường tơ lụa y tế” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất lần đầu tiên vào năm 2017 như là một phần trong sáng kiến chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau đó đã được ưu tiên chú trọng khi đại dịch bùng phát và chính thức được liên kết với kế hoạch của Sáng kiến Vành đai, Con đường từ đầu năm 2020.
Trong 2 năm dịch Covid-19, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 600 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cam kết thêm 150 triệu liều nữa theo chương trình đối ngoại của “Con đường tơ lụa y tế”. |
Với “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, đây là một phần của chương trình nghị sự “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh kể từ năm 2017 trong đó, mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc để chiếm ưu thế trên thị trường kỹ thuật số toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Trung Quốc đối đầu căng thẳng.
Khi đại dịch xảy ra, một lần nữa càng làm nổi bật tầm quan trọng của hạ tầng kỹ thuật số vì nó không chỉ cung cấp giải pháp làm việc từ xa như họp trực tuyến mà còn tạo nền tảng để thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus như truy vết trên diện rộng.
Huawei, một trong số những công ty tiên phong phát triển mạng lưới 5G đã tăng cường hợp tác với ASEAN khi đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các nước phương Tây trong vài năm gần đây.
Kể từ tháng 1/2021, công ty Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực với nhiều giải pháp được hỗ trợ bằng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G đang được sử dụng tại Thái Lan và Indonesia giúp các bệnh viện công phòng dịch.
Mới đây, một trung tâm giải pháp khách hàng Huawei cũng được khai trương tại Malaysia để “hỗ trợ quốc gia này trở thành trung tâm kỹ thuật số ASEAN” hay dự án hợp tác với Trung tâm Phân tích Kinh doanh của Singapore thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhằm “lấp lỗ hổng” về nhân tài của Singapore trong ngành công nghệ.
Bên cạnh Huawei, ZTE cũng là một nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ hệ thống 5G tại Indonesia, Malaysia và Philippines – cũng theo nghiên cứu.
Qua đó, có thể thấy, trong khi các công ty công nghệ tư nhân như Huawei vẫn duy trì top đầu trên “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc tại Đông Nam Á nhưng các công ty thuộc sở hữu quốc gia như ZTE cũng đóng góp phần rất quan trọng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 10/6, cầu cao tốc đầu tiên nối giữa Nga và Trung Quốc thông xe nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành phố địa phương của 2 nước.