Thách thức cản trở tham vọng cường quốc điện hạt nhân của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân trong 5 năm tới, nhằm đáp ứng tham vọng giới hạn mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và trở thành quốc gia không khí thải carbon vào năm 2060.
Trung Quốc đề ra mục tiêu 5 năm mới cho điện hạt nhân, sau khi không đạt được mục tiêu tính đến năm 2020.
Theo SCMP, trong dự thảo 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc cũng thúc đẩy công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3, giống như Hoa Long 1 và Guohe One.
Lò phản ứng Hoa Long 1 đã hòa vào mạng lưới điện từ tháng 11.2020. Thiết kế lò phản ứng thứ hai mang tên Guohe One đã hoàn thiện vào tháng 9.2020.
Sự kiện trên đánh dấu việc Trung Quốc sánh ngang với các cường quốc điện hạt nhân trên thế giới như Mỹ, Pháp, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc điện hạt nhân vào năm 2030.
Trong kế hoạch 5 năm, Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng các lò phản ứng cỡ nhỏ dạng module và lò phản ứng hạt nhân nổi, thúc đẩy ngành năng lượng hạt nhân phát triển.
Năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia không khí thải carbon.
Nhưng Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu phát 58 GW điện hạt nhân và xây dựng thêm 30 GW vào năm 2020. Trong kế hoạch 5 năm tới, Bắc Kinh đặt mục tiêu phát 70 GW điện hạt nhân và xây dựng thêm 51 GW.
Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc mới đạt công suất phát điện hạt nhân 21 GW.
Wang Yingsu, quan chức điện hạt nhân của Hội đồng Xúc tiến Điện lực Trung Quốc, nói ông “lạc quan” về sự phát triển của điện hạt nhân Trung Quốc.
“Công nghệ năng lượng hạt nhân thế hệ 3 của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Mục tiêu không khí thải carbon là cơ hội để phát triển năng lượng hạt nhân”, ông Wang nói.
Nhưng sự phát triển trong ngành công nghiệp này cũng đồng nghĩa Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều rác thải phóng xạ hơn và đó là vấn đề Trung Quốc cần giải quyết.
“Nếu muốn phát triển năng lượng hạt nhân, vấn đề rác thải phóng xạ là điều sẽ phải nghĩ đến”, ông Wang nói thêm.
Trung Quốc có kế hoạch xây thêm nhiều cơ sở xử lý rác thái phóng xạ trong 5 năm tới, theo dự thảo. Rác thải phóng xạ mức độ thấp và trung bình bao gồm quần áo bảo hộ nhiễm xạ, các thành phần thiết bị nhiễm xạ cần thay thế.
Rác thải phóng xạ mức độ cao bao gồm các thanh năng lượng hạt nhân. Cách duy nhất giải quyết là chôn sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, không can thiệp cho tới hàng triệu năm.
Trung Quốc hiện có các cơ sở xử lý rác thải phóng xạ cỡ nhỏ và vừa ở Cam Túc, Quảng Đông và Tứ Xuyên, nhưng không đáp ứng được lượng rác thải phóng xạ khổng lồ mỗi năm.
“Lò phản ứng hạt nhân 1 GW tạo ra 50 m3 rác thải phóng xạ mỗi năm”, Jiang Guang, người quản lý nguồn phóng xạ tại Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, nói.
Tính đến cuối năm 2019, lượng rác thải phóng xạ cần xử lý đã lên tới 16.000 m3.
Nếu đạt mục tiêu tạo ra 150 GW điện hạt nhân vào năm 2035, Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề với 250.000 m3 rác thải phóng xạ vào năm 2060.
“Chẳng địa phương nào ở Trung Quốc muốn xây cơ sở xử lý rác thải phóng xạ. Vấn đề này đang là rào cản trong nhiều năm, cần chính quyền trung ương ra quyết định”, Tian Li, phó chủ tịch điện hạt nhân của Hội đồng Xúc tiến Điện lực Trung Quốc, nói.
Trung Quốc vừa hoàn thành lắp đặt và cho khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được xây dựng bằng công nghệ...
Nguồn: [Link nguồn]