Thả camera sâu 2.400 mét xuống biển, bắt gặp con vật "ma quái" với xúc tu dài hơn 6 mét
Một đoạn video hiếm quay cảnh một con mực sống ở biển sâu có hình dạng kỳ lạ chưa từng thấy, với chiều dài xúc tu lên tới 6 mét.
Theo Newsweek, con mực có hình dạng kì dị được mô tả là “ma quái” và giống như “đến từ ngoài hành tinh”. Video được ghi lại trong chuyến thám hiểm biển sâu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại qương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong năm 2021.
Sứ mệnh của NOAA kéo dài từ ngày 26.10 và kết thúc vào ngày 15.11.2021. Con mực có hình dạng kỳ dị được camera ghi hình vào ngày 9.11, ở độ sâu khoảng 2.400 mét ngoài khơi bang Florida, Mỹ.
Hình ảnh mực tay dài trong chuyến thám hiểm mới nhất của NOAA.
Nhà động vật học Michael Vecchione thuộc NOAA, nói trên tờ Newsweek, rằng con mực xuất hiện trong video là mực tay dài, chuyên sống ở biển sâu.
Con mực này dường như đã trưởng thành, có chiều dài xúc tu tới 6,4 mét, trong khi phần thân chỉ dài 30cm, Vecchione cho biết.
Con mực có hình dạng kì dị như đến từ ngoài hành tinh.
Theo Vecchione, rất hiếm khi các nhà nghiên cứu ghi được hình ảnh cận cảnh của loài mực tay dài dưới biển sâu.
“Mực tay dài là loại mực sống ở môi trường sâu nhất mà con người từng biết đến", Vecchione nói thêm. Các nhà nghiên cứu từng phát hiện một con mực tay dài sống ở độ sâu 4.734 mét.
Đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, nhưng chỉ 20% trong số này đã được lập bản đồ chi tiết. Sứ mệnh của NOAA là lập bản đồ, thu thập dữ liệu chưa từng biết đến về khu vực biển sâu ở Bắc Đại Tây Dương, bao gồm các vùng nước sâu ngoài khơi bang Florida, Georgia và South Carolina.
Một người đàn ông Nhật Bản ghi hình con mực khổng lồ dài tới 4 mét, trong một chuyến đi tới thành phố Itoigawa ở tỉnh...
Nguồn: [Link nguồn]