Tên lửa uy lực giúp trực thăng Nga phá hủy xe tăng Ukraine ở ngoài tầm quan sát

Trong cuộc phản công đang diễn ra, các xe tăng, xe bọc thép Ukraine bị tên lửa Nga phá hủy từ khoảng cách xa mà các binh sĩ dưới mặt đất không hề hay biết.

Tên lửa Dẫn đường Đa nhiệm Hạng nhẹ (LMUR) do Nga sản xuất.

Tên lửa Dẫn đường Đa nhiệm Hạng nhẹ (LMUR) do Nga sản xuất.

Trong bối cảnh Ukraine tiếp tục chiến dịch phản công ở tỉnh Zaporizhzhia, một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất của Nga tại khu vực này là trực thăng tấn công Ka-52, Bộ Quốc phòng Anh nhận định vào tuần trước, theo tạp chí Forbes.

Thông tin tình báo do Bộ Quốc phòng Anh công bố, cho thấy Nga đã tung vào chiến trường phiên bản trực thăng Ka-52M đời mới, được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thu được ở Syria.

Trực thăng Ka-52M có hệ thống ngắm bắn quang học hiện đại, các trang thiết bị liên lạc tiên tiến và hệ thống quản lý vũ khí nâng cấp, cho phép trực thăng sử dụng các loại vũ khí mới, bao gồm một loại tên lửa "sát thủ".

"Điểm đáng chú ý của Ka-52M là khả năng mang theo tên lửa chống tăng mới", Bộ Quốc phòng Anh cho biết. "Tên lửa Dẫn đường Đa nhiệm Hạng nhẹ (LMUR) có tầm bắn khoảng 15km, giúp phi công lái trực thăng Ka-52 có thêm lựa chọn để tấn công mục tiêu tăng thiết giáp Ukraine".

Theo nhận định của tạp chí Forbes, năng lực tấn công của trực thăng Nga được gia tăng đáng kể nhờ mẫu tên lửa chống tăng mới. Trước đây, các trực thăng Ka-52 sử dụng tên lửa Vikhr hoặc ATAKA với cơ chế dẫn đường bằng laser, tầm bắn lần lượt 10km và 6km. Tuy nhiên, trực thăng Ka-52 gần như sẽ phải đứng yên tại chỗ trong 10 - 25 giây để phi công dẫn đường cho tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Điều này tạo ra rủi ro nếu binh sĩ Ukraine ở dưới mặt đất sử dụng tên lửa phòng không vác vai Stinger bắn trả.

Với LMUR, phi công Nga không cần lo lắng về điều này, LMUR không sử dụng cơ chế dẫn đường bằng laser mà kết hợp giữa dẫn đường tầm nhiệt và vệ tinh. Trong giao tranh tầm xa, phi công phóng tên lửa về phía tọa độ mục tiêu mà vệ tinh cung cấp, tên lửa sau đó sẽ chuyển sang dò hình ảnh nhiệt và tự động khóa mục tiêu xe tăng, xe bọc thép đối phương. Phương thức chiến đấu này giúp phá hủy xe bọc thép Ukraine mà các phi công Nga không cần quan sát mục tiêu.

Trực thăng Ka-52 của Nga rất dễ nhận biết nhờ cơ chế hai cánh quạt đồng trục và không có cánh đuôi.

Trực thăng Ka-52 của Nga rất dễ nhận biết nhờ cơ chế hai cánh quạt đồng trục và không có cánh đuôi.

Tên lửa cũng có chế độ bắn trực tiếp, trong đó phi công Nga khóa mục tiêu và nhấn nút khai hỏa, theo Forbes.

Nga cũng trang bị cho LMUR tính năng truyền dữ liệu hai chiều, cung cấp hình ảnh cuối cùng ngay trước khi tên lửa đánh trúng mục tiêu. Phi công Nga cũng có thể nhấn nút tự hủy tên lửa trong trường hợp cần thiết.

Nga lần đầu hé lộ tên lửa LMUR vào năm 2007, nhưng quá trình thử nghiệm chỉ diễn ra vào năm 2015 và sản xuất đại trà năm 2016. LMUR nặng khoảng 90kg, đủ sức vô hiệu hóa bất cứ mục tiêu xe tăng, xe bọc thép nào chỉ bằng một phát bắn.

Theo trang mạng Oryx chuyên thống kê thiệt hại trong giao tranh ở Ukraine, quân đội Nga từng sử dụng LMUR để tấn công 43 tòa nhà, 6 cây cầu, 2 xe tải và 5 xe bọc thép Ukraine. Trong chiến dịch phản công của Ukraine, Nga đã trang bị LMUR cho trực thăng tấn công Ka-52M làm nhiệm vụ chống tăng.

Theo Forbes, chiến lược sử dụng trực thăng cho mục đích chống tăng của Nga đã và đang phát huy hiệu quả ở Ukraine. Các trực thăng có khả năng vận hành cơ động và sở hữu năng lực tấn công tầm xa vượt trội so với các hệ thống chống tăng dưới mặt đất, phù hợp để can thiệp khi đối phương tiến công.

Nhược điểm duy nhất của LMUR là chi phí sản xuất. Mỗi quả tên lửa có giá khoảng 220.000 USD, tương đối cao so với các tên lửa chống tăng truyền thống. Nga được cho là có sẵn khoảng 300 tên lửa loại này.

Quân đội Ukraine hiện chưa có phương án ngăn chặn hiệu quả trực thăng tấn công Nga và do đó rất khó để tạo bước đột phá trong phản công, Forbes nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Binh sĩ Ukraine đứng gần xe tăng, không biết trực thăng K-52 Nga phóng tên lửa

Chiếc xe tăng và các binh sĩ Ukraine ẩn náu trong rừng lộ diện một cách rõ ràng thông qua hệ thống camera và kiểm soát hỏa lực của trực thăng tấn công Ka-52.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Forbes ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN