Tên lửa Triều Tiên lần tới sẽ uy hiếp lục địa Mỹ?
Vụ phóng tên lửa đạn đạo tiếp theo của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đe dọa lục địa Mỹ, giới chuyên gia nhận định.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên.
Theo Nikkel Asian Review, Triều Tiên ngày 15.9 đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm phản đối lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc. Tên lửa bay xa 3.700km và đạt tầm cao 770km, xa nhất từ trước đến nay.
Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên sẽ đánh giá kỹ lưỡng thành quả của đợt phóng tên lửa này để chuẩn bị phóng tên lửa khác bay sang lục địa Mỹ, đúng theo lời cảnh báo “gửi món quà lớn cho Mỹ”.
“Vụ thử tên lửa ngày 15.9 của Triều Tiên nhằm khẳng định năng lực tấn công đảo Guam của Mỹ và đây không chỉ là lời đe dọa suông”, Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Kyungnam ở Changwon, Hàn Quốc nói.
Việc cộng đồng quốc tế lên án Triều Tiên rõ ràng là không đủ để ngăn Tiều Triên tiếp tục phóng tên lửa. Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay.
Nếu như những tuyên bố của Triều Tiên là thật, nước này về cơ bản đã sở hữu tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.
“Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa trừ khi Mỹ hoặc Hàn Quốc chấp nhận lùi bước. Bước tiếp theo sẽ là đe dọa quần đảo Hawaii hoặc lục địa Mỹ”, ông Yang nhận định.
Hiện chưa rõ trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa đến gần nước Mỹ, hệ thống đánh chặn ở Alaska có tung đòn đánh chặn hay không. Tỷ lệ thành công trong các cuộc thử nghiệm tại căn cứ ở Alaska chỉ khoảng 50 - 60%.
Để bắn tới lục địa Mỹ, Triều Tiên sẽ cần đến tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ bắn hạ tên lửa được phóng từ Triều Tiên, bay hướng về Hawaii, đảo Guam và lục địa Mỹ.
Theo giới phân tích, Triều Tiên đã gửi thông điệp sẵn sàng đẩy mạnh chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, dù có phải đối đầu trực tiếp với Mỹ.
“Triều Tiên sẽ không lùi bước trước sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, dù lệnh trừng phạt có khắc nghiệt đến đâu”, Atsuhito Isozaki, giáo sư tại Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản nói.
Trong thời gian tới, việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa là điều các giới phân tích đều nhận định.
Nếu muốn tránh khả năng chứng kiến tên lửa Triều Tiên bay sát lục địa Mỹ, giới phân tích nói lựa chọn duy nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đàm phán bình đẳng với Bình Nhưỡng.
Dù dự đoán trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nhưng Nhật Bản vẫn không phản ứng bằng cách khai hỏa...