Tên lửa tầm xa phóng từ oanh tạc cơ chiến lược B-2 Mỹ có thể đe dọa tàu chiến TQ
Việc các oanh tạc cơ chiến lược B-2 giờ đây có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa giúp quân đội Mỹ chiếm ưu thế trước các tàu chiến Trung Quốc nếu xung đột quân sự nổ ra, các nhà phân tích nhận định.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 phóng tên lửa hành trình tầm xa.
Tuần trước, tập đoàn công nghệ quân sự và quốc phòng Mỹ Northrop Grumman thông báo oanh tạc cơ B-2 đã phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa AGM-158B JASSM-ER.
Máy bay ném bom chiến lược B-52, chiến đấu cơ F-16 đều có khả năng phóng tên lửa hành trình AGM-158B, nhưng đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ B-2 được nâng cấp năng lực này.
Mẫu tên lửa hành trình không đối đất này giúp oanh tạc cơ B-2 mở rộng tầm tấn công, giáng đòn nhằm vào mục tiêu ở khoảng cách xa, đặc biệt khi tên lửa AGM-158B rất khó để đối phương phát hiện từ sớm, Northrop Grumman cho biết.
"B-2 là oanh tạc cơ tàng hình duy nhất của Mỹ cho đến nay sở hữu năng lực tấn công tầm xa với khả năng thủng hệ thống phòng không đối phương", Shaugnessy Reynolds, phó chủ tịch kiêm giám đốc dự án B-2 của Northrop Grumman, cho biết.
Tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ nói các gói nâng cấp như trên giúp B-2 mở rộng năng lực tấn công tầm xa bằng tên lửa, là mẫu oanh tạc cơ tàng hình duy nhất trên thế giới có năng lực như vậy.
Fu Qianshao, cựu kỹ sư của không quân Trung Quốc, nói tên lửa AGM-158B có tầm bắn gần 1.000km, có thể "đe dọa các tàu chiến Trung Quốc".
Ông Fu nói tên lửa AGM-158B bay với tốc độ cận âm, không khó để đánh chặn nhưng điều kiện đầu tiên là phải sớm phát hiện ra tên lửa này khi nó đang lao tới mục tiêu.
Ông Fu nói Mỹ sẽ chỉ đưa oanh tạc cơ B-2 tham chiến trong trường hợp đụng độ quân sự trực tiếp với Trung Quốc. Kịch bản như vậy là rất khó xảy ra, ông Fu hiện là nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh, nhận định
Oanh tạc cơ B-2 được thiết kế để hoạt động bí mật, giáng đòn tấn công bất ngờ nhờ tính năng tàng hình trước radar đối phương. Điều này giúp B-2 có thể tới gần mục tiêu để phóng tên lửa hoặc ném bom cỡ lớn.
"Quân đội Trung Quốc cần vươn xa hơn nữa tới khu vực Tây Thái Bình Dương tạo sức ép với các oanh tạc cơ B-2", ông Fu nói, ám chỉ việc các máy bay trị giá 2 tỉ USD này thường hiện diện ở căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Trung Quốc hiện đang xếp sau Mỹ về công nghệ chế tạo oanh tạc cơ chiến lược. Oanh tạc cơ H-6 đang được quân đội nước này sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ năm 1969.
Phiên bản H-6K được nâng cấp khả năng phóng tên lửa hành trình CJ-20 với tầm bắn 2.200km, nhưng các tính năng chiến đấu của mẫu oanh tạc cơ này vẫn chưa thể sánh bằng B-52, chưa nói đến B-2.
Trung Quốc hiện đang phát triển mẫu oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới mang tên H-20 với tầm hoạt động 8.500km và có thể mang theo khoảng 10 tấn vũ khí.
Tuy nhiên, cho đến khi H-20 có thể xuất hiện, Mỹ nhiều khả năng cũng đã công bố mẫu oanh tạc cơ B-21 hoàn toàn mới, là phiên bản nâng cấp của B-2.
Không quân Mỹ ngày 16/8 công bố các bức ảnh hiếm hoi cho thấy oanh tạc cơ tàng hình chiến lược B-2 bay theo đội hình chiến đấu ở Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]