Tên lửa siêu thanh TQ bay vòng quanh hành tinh: Mỹ đã biết từ trước?
Trung Quốc được cho là đã thử một loại tên lửa siêu thanh có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, tầm bắn không giới hạn từ tháng 8.2021.
Trong cuộc thử nghiệm mới được tiết lộ, Trung Quốc đưa phương tiện bay siêu thanh vào quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh.
Hôm 16.10, báo Anh Financial Times (FT) là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ phóng tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, dẫn nguồn tin từ 5 người am hiểu về vụ phóng.
Khác với các đợt phóng thử tên lửa thông thường, vụ phóng lần này diễn ra từ tháng 8.2021 và được giữ kín, theo FT. Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc được phóng vào quỹ đạo, mang theo phương tiện bay siêu thanh (HGV).
Tên lửa siêu thanh Trung Quốc có khả năng bay vòng quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp, trước khi lao thẳng xuống mục tiêu.
Tên lửa nhắm trượt mục tiêu đã định ở khoảng cách khoảng 30km, nhưng chứng minh “bước tiến đáng kể của công nghệ vũ khí siêu thanh Trung Quốc, vượt xa Mỹ và Nga”, các nguồn tin cho biết.
Tên lửa chưa từng thấy
Thông tin về vụ phóng tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã gây chú ý đặc biệt. Cư dân mạng đặt câu hỏi rằng liệu Lầu Năm Góc có phải thay đổi chiến lược vì loại tên lửa mới này.
“Đây là điều rất đáng lo ngại”, một cư dân mạng viết, theo Sputnik. Nếu thông tin này là thật, kế hoạch răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ phải thay đổi đáng kể. Tên lửa siêu thanh không chỉ khó bị bắn hạ mà còn rất khó để phát hiện”.
Chính trị gia Anh Tom Fowdy nhận định: “Với tên lửa siêu thanh mới mà Trung Quốc phát triển, Anh cũng không nằm ngoài vòng an toàn, trong trường hợp xung đột xảy ra. Anh có thể phải thay đổi suy nghĩ rằng có thể đối phó Trung Quốc từ xa ở Thái Bình Dương”.
“Tên lửa này thay đổi mọi thứ”, nhà báo Peter Cronau nói trên đài ABC của Úc. “Mỹ và Anh cần thận trọng vì tên lửa siêu thanh Trung Quốc có thể tấn công trong chớp mắt”.
Mỹ đã biết từ trước?
Theo Sputnik, chuyện Trung Quốc phát triển tên lửa siêu thanh trang bị đầu đạn hạt nhân là điều Mỹ đã biết từ trước. Năm 2019, sau khi Trung Quốc công bố tên lửa siêu thanh DF-17, tờ Wall Street Journal đã nhận định: “Đây có thể là tên lửa đầu tiên được Trung Quốc trang bị phương tiện bay siêu thanh, với tốc độ gấp 5 lần âm thanh”.
WSJ mô tả, tại quỹ đạo đã định trước, tên lửa sẽ tách phương tiện bay siêu thanh “bay vòng quanh Trái đất ở tầm thấp với vận tốc Mach 5 (khoảng 6.000 km/giờ), có thể đổi hướng nếu cần thiết”.
WSJ dẫn lời Sam Roggeveen, chuyên gia tại Viện Lowy ở Sydney, nói “loại vũ khí này chưa từng có ở phương Tây. Trung Quốc sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến hơn các nước phương Tây”.
Theo WSJ, Lầu Năm Góc đã xác định tên lửa siêu thanh Trung Quốc là vũ khí đáng lo ngại và lên phương án đánh chặn với ưu tiên cao nhất.
Bên cạnh đó, tập đoàn vũ khí Lockheed Martin ở Mỹ cũng thúc đẩy thử nghiệm tên lửa siêu thanh đầu tiên. Tên lửa AGM-183A ARRW đã được phóng thử nghiệm vào tháng 6.2019. Đến tháng 5.2021, Lockhead Martin thông báo đạt được bước tiến đáng kể trong dự án chế tạo tên lửa siêu thanh.
Ngày 4.10.2021, hãng đã mở nhà máy chuyên sản xuất tên lửa siêu thanh tại Courtland, bang Alabama. Theo các nguồn tin quân sự Mỹ, vấn đề hiện nay là tên lửa siêu thanh quá đắt đỏ. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu các nhà thầu cắt giảm chi phí sản xuất.
“Chúng ta cần tìm ra cách sản xuất tên lửa siêu thanh với giá phải chăng hơn", quan chức quốc phòng Mỹ chuyên về Nghiên cứu và Kỹ thuật, Heidi Shyu nói vào tuần trước.
Một số vũ khí tiên tiến của Mỹ, như tiêm kích tàng hình F-35, có chi phí sản xuất hết sức đắt đỏ, tạo gánh nặng ngân sách lớn.
Mỹ có kế hoạch phóng 150 vệ tinh vào quỹ đạo, chuyên theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]