Tên lửa siêu thanh Oreshnik của Nga lợi hại sao, hệ thống phòng không nào chặn được?
Tên lửa Oreshnik của Nga có thể mang tới 6 đầu đạn, trong đó mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu khác nhau.
Ngày 21-11, một loại tên lửa đạn đạo có tốc độ siêu thanh mới của Nga tên Oreshnik mang theo 6 đầu đạn đã tấn công TP Dnipro, Ukraine. Mặc dù các quan chức cấp cao Ukraine cho biết thiệt hại ở mức hạn chế, song việc lần đầu tiên Nga sử dụng loại tên lửa có thiết kế như vậy trong chiến đấu đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả loại tên lửa đạn đạo siêu thanh này là "không thể ngăn cản”.
Hành trình bay và khai hoả
Cuộc tấn công tại Dnipro cho thấy 6 đầu đạn của tên lửa Oreshnik được thả vào các mục tiêu riêng lẻ, do một hệ thống được gọi là đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) thực hiện.
Trước khi thả đầu đạn, hệ thống MIRV sử dụng các thiết bị dẫn đường để điều chỉnh quỹ đạo, đảm bảo mỗi đầu đạn nhắm chính xác vào mục tiêu được chỉ định.
Video mô tả hành trình bay và khai hoả của tên lửa Oreshnik. Dựng video: DƯƠNG KHANG
Hệ thống MIRV hoạt động bằng cách bay qua không gian hướng về khu vực mục tiêu. Tại giai đoạn này, tên lửa dễ bị đánh chặn nhất.
Sau khi tách khỏi tầng trên của tên lửa đẩy và thực hiện một đợt tăng tốc ngắn, MIRV bay theo quỹ đạo đạn đạo trong không gian trước khi thả đầu đạn. Trong quá trình này, tầng đầu tiên của tên lửa tách ra, loại bỏ động cơ đã cháy và khoang nhiên liệu rỗng để giảm trọng lượng.
Tên lửa được phóng đi, sử dụng động cơ của giai đoạn đầu để tạo lực đẩy, tăng tốc nhanh chóng trong khi xoay và điều chỉnh hướng để di chuyển theo quỹ đạo đã được lập trình sẵn.
Tốc độ thế nào?
Ông Putin trước đó cho biết tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ lên tới Mach 10 (khoảng 12.200 km/giờ), tức là gấp khoảng 10 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ cao khiến nó cực kỳ khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Mô phỏng cấu trúc tên lửa Oreshnik của Nga. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng cục tình báo quân sự Ukraine (HUR) ngày 22-11 cho biết rằng tên lửa Oreshnik mới của Nga đã đạt tốc độ tối đa lên đến hơn 13.600 km/giờ và chỉ mất khoảng 15 phút để đến mục tiêu ở TP Dnipro (Ukraine) kể từ khi phóng, theo hãng tin Reuters.
Cũng theo HUR, tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Nga được trang bị 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đầu đạn con. Tốc độ của đầu đạn ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay là trên Mach 11, tức trên 13.600 km/giờ.
Ông Jeffrey Lewis - Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân Đông Á tại Trung tâm James Martin (Mỹ) cho rằng các đầu đạn hồi quyển di chuyển với tốc độ cực cao, đủ để gây thiệt hại đáng kể ngay cả khi chỉ được làm từ vật liệu không nổ.
Ông Lewis giải thích rằng các đầu đạn lao xuống TP Dnipro ở một góc rất dốc, điều này cho thấy tên lửa được phóng theo quỹ đạo loft - tức là bắn lên đến một độ cao bất thường nhằm mục đích giảm tầm bắn. Triều Tiên thường sử dụng phương pháp này trong các cuộc thử nghiệm tên lửa nhằm tránh để tên lửa rơi xuống các khu vực nhạy cảm về địa chính trị.
Khoảng cách từ điểm bắn tên lửa Oreshnik đến TP Dnipro. Ảnh: REUTERS. Việt hóa: DƯƠNG KHANG
Ông Ankit Panda, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết TP Kapustin Yar (nơi Nga phóng tên lửa) cách TP Dnipro chỉ khoảng 800 km, nên quỹ đạo loft là một phương án hợp lý. Theo ông Lewis, với thời gian 15 phút, tên lửa Oreshnik có thể bay khoảng 1.500 km nếu sử dụng quỹ đạo thông thường.
Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi về các bình luận trên.
Arrow 3 của Israel và SM-3 Block 2A của Mỹ có thể chặn được?
Mặc dù Tổng thống Putin ca ngợi đây là một loại vũ khí siêu thanh mới, các chuyên gia quân sự cho rằng công nghệ này không mới. Sáu chuyên gia được Reuters phỏng vấn khẳng định rằng nó dựa trên công nghệ đã được sử dụng trong tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ nhiều năm trước.
Hai chuyên gia trong nhóm đã kiểm tra các mảnh vỡ từ tên lửa Oreshnik, xác nhận nó có khả năng thả nhiều đầu đạn — một đặc điểm vốn có của ICBM.
Ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân Đông Á tại Trung tâm James Martin (Mỹ), nhận định rằng tất cả tên lửa đạn đạo với tầm bắn tương tự đều đạt tốc độ siêu thanh.
Sau khi phân tích hình ảnh các mảnh vỡ, ông Lewis xác định hai mảnh lớn nhất là phần thuộc hệ thống tải đầu đạn, nằm ở đỉnh tên lửa đẩy và chịu trách nhiệm thả đầu đạn từ không gian xuống các mục tiêu mặt đất.
Các mảnh vỡ tên lửa Oreshnik của Nga được thu thập từ chiến trường. Ảnh: REUTERS. Việt hóa: DƯƠNG KHANG
Ông Lewis giải thích rằng các động cơ đẩy nhỏ trên hệ thống MIRV cho phép nó di chuyển chính xác trong khí quyển để nhắm trúng mục tiêu (phần mảnh vỡ hình con nhện trong ảnh dường như là hệ thống MIRV).
Phần lớn các mảnh vỡ còn lại bao gồm hệ thống dẫn đường, bình nhiên liệu và các thiết bị điện tử khác. Hệ thống MIRV này được thiết kế để mang các đầu đạn, trong đó mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu riêng lẻ.
Ông Lewis nhấn mạnh rằng công nghệ được sử dụng trong tên lửa Oreshnik không phải là điều mới mẻ, nhưng việc phân tích kỹ lưỡng các mảnh vỡ đã cung cấp cái nhìn thú vị về cách Nga thiết kế các loại tên lửa mới nhất.
“Đây là một khả năng mới, nhưng không đại diện cho sự thay đổi đáng kể trong phát triển vũ khí. Đó chỉ là sự kết hợp các công nghệ cũ theo một cách thức mới” - ông Lewis nhận định.
Ông Lewis cũng chỉ ra rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa như Arrow 3 của Israel và SM-3 Block 2A của Mỹ được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa này.
Tình báo Anh nhận định Nga hiện chỉ sở hữu số lượng hạn chế tên lửa Oreshnik và chưa đưa loại tên lửa này vào sản xuất hàng loạt.
Nguồn: [Link nguồn]