Tên lửa mới của Triều Tiên giống hệt của Nga, có thể chọc thủng lưới lửa Mỹ?
Giới chức Mỹ nghi ngờ tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm mới đây của Triều Tiên là “bản sao” của một thiết kế tiên tiến của Nga và có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Triều Tiên phóng tên lửa hôm 9/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng tên lửa mới thử nghiệm của Triều Tiên chỉ ở mức độ “cơ bản”. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và an ninh Mỹ lại coi đây là nguy cơ tiềm tàng cho các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Đông Bắc Á.
Triều Tiên đã thử 3 tên lửa vào ngày 4/5 và 9/5 tại Tây Bắc nước này. Các tên lửa bay ở tầm thấp, không vượt qua khí quyển Trái đất trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Các bức ảnh cho thấy tên lửa này rất giống tên lửa tầm ngắn của Nga là Iskander, xét ở góc độ động cơ nhiên liệu rắn và 4 vây ở đuôi để có thể điều chỉnh hướng khi bay. Sự giống nhau nhiều tới mức các chuyên gia gọi đây là phiên bản Kimskander của Bình Nhưỡng.
Các quan chức giấu tên cho rằng, một tên lửa bay thấp có hệ thống dẫn đường vệ tinh (mà tên lửa của Triều Tiên có thể có khả năng này) có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.
Vũ khí trên cũng khó bị phá hủy trên bộ vì nó dựa vào một bệ phóng di động có thể mang 2 tên lửa và có thể di chuyển. Tên lửa này cũng chính xác hơn các tên lửa tầm ngắn Scud cũ kỹ của Triều Tiên.
Vụ thử nghiệm nhằm gia tăng áp lực yêu cầu Washington nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị ngưng trệ sau thượng đỉnh Trump – Kim lần 2 không đạt kết quả.
“Đây là tên lửa được thiết kế để tránh các biện pháp phòng thủ”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Một quan chức Mỹ cho hay, phiên bản mới của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại Hàn Quốc có thể đánh chặn tên lửa khi nó đang bay. Nhưng nếu Triều Tiên phóng vài qủa tên lửa cùng lúc, hệ thống Patriot sẽ bị quá tải.
Quỹ đạo thẳng của tên lửa cũng giúp nó có khả năng tránh tốt hơn hệ thống lưới lửa phòng thủ THAAD của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc để chống lại các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên.
Các tên lửa mới của Triều Tiên không vượt quá độ cao 48km, tức là quá cao để hệ thống Patriot ngăn chặn và quá thấp để THAAD tấn công.
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã sản xuất bao nhiêu tên lửa loại này và khả năng của chúng như thế nào so với tên lửa Iskander của Nga, vốn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm xa từ 400-800km.
Một trong những bí ẩn là làm sao Triều Tiên có thể chế tạo tên lửa giống với Iskander mà Nga bị cấm bán cho nước này theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có được mẫu tên lửa từ một trong các đồng minh của Nga và sao chép nó. Trong thập kỷ qua, Moscow đã bán Iskander cho Syria, Armenia and Algeria. Một số ý kiến cho rằng Triều Tiên sản xuất tên lửa trên với sự giúp đỡ bí mật của các chuyên gia vũ khí Nga, hoặc đã mua hoặc đánh cắp bản thiết kế tên lửa.
“Tôi không nghĩ chính phủ Nga đã bán nó cho Triều Tiên nhưng có khả năng Bình Nhưỡng đã sử dụng các mạng lưới mua bán bí mật hoặc sử dụng bên thứ 3”, Michael Elleman, cựu chuyên gia vũ khí tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, Anh cho biết.
Các bức ảnh của Triều Tiên cho thấy các dải hỗ trợ xung quanh tên lửa rơi ra trong vụ phóng rất giống với của tên lửa Iskander - 38 North, trang web nghiên cứu về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cho biết.
Chuyên gia cấp cao David Shlapak tại tổ chức nghiên cứu Rand Corp (California, Mỹ) lại cho rằng Triều Tiên có thể nhận hỗ trợ trực tiếp từ Nga.
Giới chức Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã bất ngờ phóng một tên lửa tầm ngắn vào sáng nay.