Tên lửa lớn nhất thế giới của Triều Tiên: "Quái vật hạt nhân" hay chỉ là mô hình?
Giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc đang cố gắng phân tích chi tiết về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên. Đây được cho là tên lửa lớn nhất thế giới và có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, Yonhap đưa tin.
Tên lửa lớn nhất thế giới của Triều Tiên được phô diễn trong lễ duyệt binh (ảnh: KCNA)
Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động, Triều Tiên đã cho ra mắt nhiều loại vũ khí mới, nổi bật nhất là sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo “khủng”, được giới phân tích quân sự đánh giá là “quái vật”.
Tên lửa mới có đường kính lớn và dài từ 25 – 26 mét, được vận chuyển bằng bệ đỡ 11 trục. Đây là loại tên lửa quân sự lớn nhất thế giới.
“Cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực phân tích vũ khí mới của Triều Tiên”, Kim Jun Rak – đại tá quân đội Hàn Quốc – nói.
Ông Kim cho rằng, còn quá sớm để nhận định tên lửa mới của Triều Tiên có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hay không.
“Chưa rõ tên lửa mới của Triều Tiên là đồ thật hay chỉ là mô hình để đánh lừa thế giới. Loại tên lửa này nếu có thật thì cũng chưa từng được thử nghiệm chứ đừng nói đưa ngay vào biên chế quân đội”, một tướng lĩnh Hàn Quốc cấp cao giấu tên nhận xét.
Theo trang The Interpreter, loại tên lửa mới của Triều Tiên nếu có thật thì sức mạnh sẽ rất đáng gờm vì khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng tên lửa này chỉ là mô hình, được phô diễn nhằm thị uy với Hàn Quốc hoặc Mỹ.
Các chuyên gia quân sự nhận xét, Mỹ sẽ phải đầu tư nhiều tiền hơn cho hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với một tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
“Mỹ cần sử dụng 12 – 16 tên lửa phòng không để đánh chặn một tên lửa như vậy. Giá của 14 quả tên lửa phòng không lên tới 1 tỷ USD”, Jeffrey Lewis – chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) – nói.
Ông Kim Jong Un đi thị sát việc phát triển tên lửa (ảnh: KCNA)
Theo Interpreter, tên lửa của Triều Tiên thường sử dụng nhiên liệu lỏng, có tính hao mòn cao. Điều này đồng nghĩa với việc trước khi phóng tên lửa, Triều Tiên phải mất nhiều thời gian để nạp nhiên liệu, làm tăng nguy cơ bị phát hiện bởi thiết bị do thám của đối phương.
Tờ Atlantic Council thì cho rằng, trong các phát biểu trước đây, ông Kim Jong Un thường ám chỉ vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên là tàu ngầm. Vì vậy, khi một loại tên lửa mới với kích thước lớn xuất hiện, nó đáng bị nghi ngờ.
Hiện tại, Hwasong-15 vẫn là tên lửa lớn nhất của Triều Tiên được cả Mỹ và Hàn Quốc thừa nhận. Tên lửa này dài gần 23 mét, tầm bắn 12.874 km.
Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa mới của Triều Tiên nhiều khả năng là “hàng xịn” và được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến nhất của Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu hôm 10.10, ông Kim cam kết sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh răn đe quân sự của Triều Tiên trước các “thế lực thù địch”.
“Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về loại tên lửa mới của Triều Tiên. Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ quyết tâm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thế giới”, Lee Nak Yo – nghị sĩ Hạ viện Hàn Quốc – phát biểu.
Các binh chủng thuộc quân đội Triều Tiên tham gia duyệt binh (ảnh: KCNA)
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đánh giá cao bài phát biểu của ông Kim Jong Un vì gửi gắm thông điệp thúc đẩy quan hệ Liên Triều.
“Cuộc duyệt binh gần đây cho thấy Triều Tiên sở hữu loại tên lửa rất tiên tiến. Đây có thể là mối đe dọa trực tiếp đối với Hàn Quốc”, Kim Chong In – nghị sĩ Hàn Quốc – nhận xét.
Ông Kim cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cần có thái độ cứng rắn hơn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sau cuộc duyệt binh của Triều Tiên, Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ – tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trước mối đe dọa hạt nhân.
Các chuyên gia hôm 11/10 nhận định, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên, xuất hiện trong cuộc duyệt...
Nguồn: [Link nguồn]