Tên lửa HIMARS: Vũ khí làm thay đổi cách tác chiến thời hiện đại
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tạo ra một sự thay đổi lớn trong môi trường chiến tranh hiện đại, trong đó các vũ khí sát thương với độ chính xác cao vốn cần đến máy bay hoặc tàu chiến khai hỏa, nay nằm trong tay các lực lượng ở tiền tuyến.
Hệ thống HIMARS được coi là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" ở Ukraine.
Vũ khí đóng vai trò trung tâm dẫn đến sự thay đổi là hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, hay còn gọi là HIMARS. Được Mỹ cung cấp và binh sĩ Ukraine vận hành kể từ tháng 6, các hệ thống HIMARS đã và đang tạo ra sự khác biệt rõ rệt trên chiến trường.
HIMARS cũng như tên lửa chống tăng Javelin và nhiều vũ khí khác, phản ánh môi trường chiến tranh hiện đại cần đến vũ khí tấn công cực kỳ chính xác nhưng yêu cầu phải gọn nhẹ, mang tính cơ động cao, theo báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ).
Ukraine hiện đang vận hành 16 hệ thống HIMARS, so với các hệ thống pháo phản lực thông thường là không lớn, nhưng năng lực tấn công vượt trội do gần như chắc chắn khả năng đánh trúng mục tiêu.
“HIMARS là một trong những bước tiến đáng chú ý của vũ khí tấn công chính xác, trong đó các trang thiết bị hạng nặng nay trở thành vũ khí hạng nhẹ và cơ động”, Robert Scales, cựu thiếu tướng quân đội Mỹ, người từng tham gia vào dự án chế tạo pháo phản lực từ những năm 1970, nói.
Binh sĩ Ukraine vận hành pháo phản lực HIMARS.
Tháng trước, phóng viên của tờ WSJ có cơ hội hiếm hoi tới tiền tuyến nơi các binh sĩ Ukraine vận hành HIMARS. Vào một buổi tối trong khi đang chuẩn bị bữa cơm, đơn vị pháo binh Ukraine nhận được mệnh lệnh.
Đó là tấn công một doanh trại quân đội Nga, nơi cất giữ đạn dược và xe tăng, cách khoảng 64km. 6 binh sĩ Ukraine leo lên 2 xe phóng HIMARS. Mỗi xe chỉ cần 3 người vận hành gồm lái xe, pháo thủ và chỉ huy.
Các binh sĩ nạp tọa độ mục tiêu vào một máy tính bảng. Vài phút sau, hai xe phóng HIMARS di chuyển khỏi nơi ẩn náu. Dừng xe được 30 giây, 2 hệ thống HIMARS bắn tổng cộng 7 đạn tên lửa. Trước khi tên lửa rơi xuống mục tiêu, các xe phóng đã quay về nơi ẩn náu an toàn.
Không lâu sau, đơn vị lại nhận được chỉ thị mục tiêu mới. Đó là các bệ phóng rocket của Nga ở cách 70km. Chiến thuật khai hỏa vẫn được thực hiện nhanh chóng và suôn sẻ.
Sau đó, các binh sĩ Ukraine mới quay trở về doanh trại và ăn nốt bữa tối còn dang dở. Ngày hôm đó, doanh trại quân đội Nga đã bốc cháy dữ dội, kho đạn phát nổ.
Các tư lệnh Ukraine ước tính, HIMARS đóng góp 70% vào bước tiến của quân đội ở Kherson. Chỉ 4 xe phóng HIMARS tham gia chiến dịch nhưng đã gây thương vong lớn cho phía Nga, phá hủy khoảng 20 phương tiện quân sự, một sỹ quan Ukraine tên Valentyn Koval nói, theo WSJ.
Sỹ quan Koval là thành viên trong đơn vị pháo binh Ukraine, trực tiếp tham gia vận hành hệ thống HIMARS.
Nga cũng có các hệ thống pháo phản lực bắn đạn dẫn đường bằng vệ tinh như HIMARS, nhưng chỉ được sử dụng một cách giới hạn. Quân đội Nga hiện chủ yếu vẫn sử dụng xe phóng rocket bắn loạt theo kiểu cũ.
Theo ước tính, cách phóng rocket như vậy của Nga cần tới hàng chục quả đạn để phá hủy một mục tiêu. Hệ thống HIMARS có thể làm điều tương tự chỉ bằng một đạn tên lửa nặng 90kg.
Mỗi xe phóng HIMARS được trang bị 6 quả đạn tên lửa như vậy. Mỗi quả đạn này có giá rất cao, nhưng Ukraine tạm thời không phải lo về vấn đề chi phí do luôn được Mỹ hỗ trợ thường xuyên.
Theo WSJ, pháo binh trước đây luôn được coi là các đơn vị cồng kềnh. Trong chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq năm 1991, khí tài quân sự của các đơn vị pháo binh Mỹ chiếm 60% trọng lượng toàn bộ khí tài đưa vào cuộc chiến.
Các hệ thống pháo di chuyển cần một lượng lớn nhân lực, thời gian và nhiên liệu, chưa kể đến các lực lượng hỗ trợ và bảo vệ. Nhưng sự xuất hiện của hệ thống HIMARS đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức tác chiến của các đơn vị pháo binh.
“Không chỉ khả năng tấn công chính xác của HIMARS là một bước ngoặt, đó còn là tính cơ động, giảm đáng kể trọng lượng của vũ khí”, tướng Scales nói.
Quân đội Mỹ thiết kế xe phóng HIMARS nặng 16 tấn, trong khi pháo phản lực hạng nặng B-30 Smerch của Nga nặng tới 43 tấn. HIMARS có thể dễ dàng được vận chuyển bằng các máy bay vận tải quân sự C-130.
Trong môi trường chiến đấu, các hệ thống HIMARS được ngụy trang như xe tải chở hàng thông thường ở vùng nông thôn.
Quá trình nạp đạn cho hệ thống HIMARS chỉ mất 5 phút.
Các xe phóng này ban đầu không được nạp đạn, chỉ khi thực hiện nhiệm vụ mới di chuyển tới kho đạn. Toàn bộ quá trình nạp đạn chỉ mất 5 phút, nhanh hơn nhiều so với các mẫu pháo phản lực của Nga.
HIMARS có hệ thống ống phóng dạng module, mỗi khi nạp đạn chỉ cần tháo hẳn module rỗng và thay bằng module đã lắp đầy đạn tên lửa. Trong khi đó, các binh sĩ Nga phải nạp từng quả đạn rocket cho pháo phản lực nên quy trình mất nhiều thời gian hơn.
Theo sỹ quan Koval, HIMARS đang là vũ khí hoạt động hiệu quả nhất của quân đội Ukraine trên chiến trường. Koval nói mình và các đồng đội chỉ vài tuần mới quay trở lại căn cứ, còn thông thường được yêu cầu phân tán lực lượng và xe phóng.
Trong 3 tháng qua, Koval và các đồng đội thường xuyên ngủ trong lều, chỉ di chuyển qua lại giữa vị trí kho đạn, địa điểm khai hỏa và nơi cất giữ các xe phóng HIMARS.
Theo quan sát của phóng viên WSJ, một xe phóng HIMARS có đồng hồ công tơ mét chỉ thị đã di chuyển được 20.000km. Xe phóng này có 69 lần thực hiện nhiệm vụ thành công.
Nói về độ chính xác của HIMARS, sỹ quan Koval nói: “Nếu tôi nhập tọa độ của chiếc hố nhỏ kia vào máy tính trên xe phóng, tên lửa HIMARS sẽ rơi xuống đúng vị trí đó”.
Quân đội Ukraine đang vận hành 16 hệ thống HIMARS và Mỹ đang cam kết gửi thêm hàng chục xe phóng.
Nói về mối đe dọa lớn nhất với các hệ thống HIMARS, Koval nói đó là các máy bay không người lái cảm tử, đặc biệt là các máy bay đến từ Iran.
Máy bay cảm tử không có người lái nên có thể thâm nhập sâu vào phòng tuyến, tiếp cận vị trí các xe phóng HIMARS. Khi đó, kíp điều khiển xe phóng chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ các hệ thống phòng không ở gần đó.
Mùa hè năm nay, nhóm của Koval đã nhiều lần phải hủy nhiệm vụ tấn công khi nhận thấy có máy bay không người lái Nga xuất hiện. Nhưng Koval khẳng định rằng chưa có bất cứ xe phóng HIMARS nào bị phá hủy.
HIMARS lần đầu xuất hiện trong biên chế quân đội Mỹ vào năm 2001, nằm trong chiến lược phát triển các vũ khí tấn công hạng nhẹ nhưng có độ chính xác cao dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld.
Kể từ đó, hệ thống HIMARS đã xuất hiện trong chiến tranh Afghanistan, nội chiến ở Syria, nội chiến ở Iraq (2014 – 2017) và mới nhất là cuộc xung đột ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Tên lửa đạn đạo dẫn đường bằng vệ tinh mới của Iran – Fath 360 có thể so sánh với hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột...