Tên lửa diệt hạm Trung Quốc có dọa được tàu sân bay Mỹ?
Sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội về phòng thủ và khả năng tình báo giám sát, các nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông tự tin dễ dàng đối phó tên lửa diệt hạm của Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Ngày 14-7, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rõ lập trường không nhượng bộ tham vọng bá quyền của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông, hải quân Mỹ điều khu trục hạm USS Ralph Johnson có trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra một số khu vực trọng yếu gần quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
“Bổn cũ soạn lại” của Trung Quốc
Theo tạp chí The National Interest, đây là động thái mới nhất của Mỹ trong nỗ lực củng cố ảnh hưởng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng, Mỹ cũng đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến tập trận ở Biển Đông. Truyền thông TQ, dẫn đầu là Hoàn Cầu Thời Báo phản ứng bằng những bài viết đe dọa rằng các lực lượng Mỹ trong khu vực đang nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của lực lượng tên lửa nước này.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải là lần cuối cùng truyền thông TQ đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tháng 12-2018, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự TQ La Viện từng công khai đề xuất phương án đánh chìm một hoặc hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông nhằm “răn đe” Washington. Theo ông này, “điều khiến Mỹ sợ nhất là xảy ra thương vong”, đồng thời cảnh báo kịch bản đánh chìm tàu sân bay Mỹ có thể cướp đi sinh mạng của 5.000 thủy thủ.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Hợp tác và an toàn hàng hải TQ Đới Húc tuyên bố hải quân TQ nên sẵn sàng tông thẳng vào các tàu của hải quân Mỹ nếu các tàu này xâm phạm cái gọi là “lãnh hải” của TQ trên Biển Đông.
Đến tháng 1-2019, Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố đã triển khai các tên lửa “sát thủ diệt hạm” DF-26 và DF-27 tại khu vực cao nguyên và sa mạc với tầm bắn đủ bao trùm Biển Đông. TQ trước đây từng thử nghiệm các tên lửa tương tự DF-26 nhằm tấn công giả định các tàu sân bay Mỹ và thiết kế loại vũ khí này để áp đảo các tàu hải quân Mỹ.
Tên lửa TQ không dọa được Mỹ
Về lý thuyết, TQ đúng là có sở hữu các loại tên lửa có tầm bắn lên tới 900 hải lý, đe dọa đáng kể đối với các lực lượng Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. The National Interest chia sẻ ngay cả khi không có đầu đạn, một đòn tấn công trúng đích của các loại tên lửa trên cũng có thể xuyên thủng thân tàu sân bay. Bên cạnh đó, việc đánh chặn một vũ khí có vận tốc gấp nhiều lần vận tốc âm thanh là điều không hề đơn giản.
Tuy nhiên, các loại tên lửa diệt tàu sân bay của TQ dù có tầm bắn hiệu quả xa nhưng nếu không được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác để bắn trúng mục tiêu đang di chuyển thì cũng trở nên vô dụng.
Ngoài ra, các tàu sân bay Mỹ thường xuyên di chuyển cùng các nhóm tàu tấn công, đồng nghĩa với việc chúng được các khu trục hạm, tuần dương hạm và các phương tiện giám sát và tấn công khác nhau trên không bảo vệ.
Một lưu ý nữa, hải quân Mỹ liên tục có những bước tiến nhanh chóng khi trang bị cho các tàu mặt nước vũ khí laser, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến có khả năng ngăn chặn, tấn công, phá hủy hoặc đơn giản là làm chệch quỹ đạo của tên lửa. Hơn thế nữa, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của hải quân Mỹ không chỉ bao gồm các cảm biến trên tàu, trên không, trong không gian mà còn là hệ thống đánh chặn phóng từ trên boong. Các vũ khí này cũng tiếp tục nhận được bản nâng cấp phần mềm giúp tăng đáng kể độ chính xác.
“Ví dụ, các tên lửa SM-6 và ESSM Block II hiện đang được thiết kế với các phiên bản nâng cấp phần mềm và cảm biến cho phép chúng tiếp cận và tiêu diệt các mục tiêu di chuyển tốt hơn. Cụ thể, SM-6 sau khi được nâng cấp kỹ thuật có thể phân biệt mục tiêu đang di chuyển tốt hơn và thậm chí có thể điều chỉnh quỹ đạo bay để tiêu diệt mục tiêu. ESSM Block II còn có chế độ lướt trên biển cho phép nó đánh chặn, tiêu diệt các tên lửa tiếp cận bay song song với bề mặt ở độ cao thấp hơn” - The National Interest nêu rõ.
Quyết định bám đuổi tàu sân bay Mỹ - một loại tàu được trang bị vũ khí hạt nhân - là quyết định mà bất kỳ thế lực nước ngoài nào cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng. Họ phải hiểu rằng nếu nhắm mục tiêu tàu sân bay, cơn thịnh nộ sẽ trút xuống đầu họ. BRYAN MCGRATH, Học viện Hải quân Mỹ |
Kỹ thuật quân sự mới của Mỹ
Mỹ gần đây cũng đưa vào biên chế máy bay trinh sát thế hệ thứ năm F-35C phiên bản dành cho tàu sân bay với khả năng trinh sát, do thám và giám sát vượt trội, giúp báo hiệu cho các chỉ huy về những tên lửa đang tiến đến. Dựa vào thông tin này, các tàu sân bay Mỹ có thể dễ dàng kích hoạt tên lửa dẫn đường đánh chặn tên lửa TQ từ xa.
Hơn nữa, các chuyên gia quân sự ở Lầu Năm Góc cũng đang liên tục nghiên cứu thiết kế mới cho các thế hệ tàu sân bay mới. Trong tương lai gần, tàu sân bay sẽ được thiết kế nhỏ hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn hoặc tiếp tục mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái có tầm bay xa hơn thế hệ cũ.
“Có lẽ những yếu tố này là một phần lý do tại sao các quan chức hải quân Mỹ tiếp tục tự tin khẳng định các tàu sân bay của họ có thể hoạt động ở bất kỳ nơi nào họ cần” - The National Interest nhận định.
Mỹ muốn trừng phạt quan chức Trung Quốc về Biển Đông Tại hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10 diễn ra ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) hôm 14-7, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về khu vực Đông Á David Stillwell cảnh báo Washington có thể đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức lẫn doanh nghiệp TQ liên quan đến các chính sách mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông, đài CNBC đưa tin. “Mọi phương án đều đang được cân nhắc. Trừng phạt là một hành động hữu hình, thể hiện rõ ràng quan điểm mà TQ có thể hiểu được” - ông Stillwell nhấn mạnh. Phản ứng trước phát ngôn này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh tuyên bố TQ không nao núng trước các biện pháp trừng phạt của Washington vì vấn đề Biển Đông. Bà này tiếp tục cáo buộc Mỹ đang gây rối và tạo ra bất ổn trong khu vực trước khi kêu gọi Washington “đừng tiếp tục đi sai đường”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tước...