Tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay vọt lên từ hồ nước: Thêm năng lực răn đe hạt nhân mới?
Mặc dù thiếu công nghệ đóng tàu ngầm hiện đại, việc triển khai các bệ phóng tên lửa đạn đạo ngầm dưới hồ nước vẫn có thể giúp Triều Tiên thúc đẩy chiến lược răn đe hạt nhân, báo Mỹ The Drive nhận định.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay vụt lên từ dưới hồ nước. Ảnh: KCNA.
Cuối tuần qua, truyền hình nhà nước Triều Tiên công bố một loạt ảnh về loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra từ ngày 25/9 - 9/10, bao gồm một vụ phóng hiếm hoi, trong đó tên lửa bay vọt lên từ bệ phóng ngầm dưới hồ nước.
Triều Tiên hiện sở hữu nhiều xe phóng tên lửa di động có kích thước lớn và đã làm chủ khả năng phóng tên lửa từ tàu hỏa, nhưng việc có thể ngụy trang và phóng tên lửa đạn đạo dưới nước vẫn có ý nghĩa rất lớn trong việc răn đe hạt nhân.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng hình ảnh tên lửa bay vọt lên từ một hồ nước. Vụ phóng được thực hiện vào ngày 25/9. Loại tên lửa cụ thể không được Triều Tiên nhắc tới, nhưng dựa vào hình ảnh, đây có thể là mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ tàu ngầm. Triều Tiên lần đầu giới thiệu mẫu tên lửa này vào tháng 10/2021.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA.
Theo KCNA, vụ phóng từ dưới nước nhằm kiểm tra mức độ tin cậy và phản ứng nhanh của hệ thống trong trường hợp mô phỏng cần khai hỏa tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
"Tên lửa đạn đạo chiến thuật sau khi khai hỏa đã bay lên không thành công, hướng về phía mục tiêu giả định ngoài biển, thể hiện độ tin cậy của đầu đạn khi phát nổ ở một độ cao nhất định", KCNA tuyên bố.
KCNA cũng cho biết, Triều Tiên có kế hoạch xây dựng bãi phóng ngầm dưới nước sau cuộc thử nghiệm thành công này.
Dựa vào thông tin do KCNA công bố, báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đã đạt bước tiến trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để sở hữu các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, do chưa tích hợp công nghệ phóng tên lửa dưới nước vào tàu ngầm, Triều Tiên sẽ xây một loạt các bệ phóng ngầm dưới hồ nước.
Báo Mỹ đánh giá, lắp đặt các bệ phóng ngầm dưới nước giúp Triều Tiên củng cố năng lực răn đe hạt nhân. Rất khó để phát hiện các bệ phóng này dưới nước nếu chỉ dựa vào các bức ảnh vệ tinh và quan sát từ xa.
Mỹ hoặc các đồng minh có thể xác định một số hồ nước mà Triều Tiên lắp đặt bệ phóng, nhưng vẫn sẽ tốn rất nhiều công sức và tiền của nếu muốn biết chính xác vị trí của các bệ phóng, chưa kể là bệ phóng nào chứa tên lửa thực sự.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quan sát một vụ phóng tên lửa từ xa.
The Drive nhận định, tùy thuộc vào hoàn cảnh, việc xác định bệ phóng ngầm dưới nước của Triều Tiên là bất khả thi. Triều Tiên cũng có thể lắp các bệ phóng di động dưới đáy hồ và luân phiên di chuyển để gây khó dễ cho Mỹ và các đồng minh.
Với cách này, Triều Tiên dù chưa thể đóng được tàu ngầm cỡ lớn mang tên lửa đạn đạo, nhưng vẫn tạo ra sự răn đe bởi thiết kế tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Triều Tiên không phải nước đầu tiên muốn xây dựng một loạt bệ phóng ngầm dưới nước. Trong giai đoạn những năm 1970 - 1980, quân đội Mỹ tính tới khả năng xây dựng bệ phóng ngoài khơi hoặc dưới hồ nước nhân tạo, giảm thiểu nguy cơ bị đối phương phát hiện.
Tuy nhiên, sau những bước tiến công nghệ giúp có thể giáng đòn tấn công hạt nhân từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, Mỹ đã hủy bỏ dự án trên.
Nhược điểm của việc lắp đặt bệ phóng ngầm dưới nước là công việc bảo trì và sửa chữa sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trên mặt đất, theo The Drive.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàn Quốc ngày 11/10 cho biết đủ khả năng phát hiện và ngăn chặn nhiều loại tên lửa mà Triều Tiên phóng thử trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã chỉ...