Tên lửa đạn đạo Oreshnik của Nga mạnh tới mức nào?
Mỹ nhận định loại vũ khí bắn vào Ukraine hôm 21-11 được thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa của Nga và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Quân đội Mỹ cho rằng Nga đã bắn một loại tên lửa đạn đạo chưa từng được sử dụng vào TP Dnipro, Ukraine hôm 21-11, Guardian đưa tin. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận Moscow tấn công cơ sở quân sự của Ukraine bằng loại tên lửa đạn đạo mới có tên “Oreshnik”.
Oreshnik là tên lửa loại gì?
Theo Lầu Năm Góc, thiết kế của Oreshnik dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa RS-26 Rubezh của Nga. Các quan chức Mỹ nhận định Oreshnik là tên lửa thử nghiệm và Nga mới sở hữu số lượng giới hạn.
Oreshnik mang đầu đạn thông thường nhưng Moscow vẫn có thể nâng cấp nếu muốn. “Nó có thể được biến đổi để mang theo các loại đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân khác nhau” - người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết.
Nga thử nghiệm ICBM hồi tháng 10-2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Ngoài ra, bà Singh nói Lầu Năm Góc coi Oreshnik là phiên bản “thử nghiệm” vì “đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nó trên chiến trường”.
Ông Jeffrey Lewis - chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury - cho biết ông Putin trước đó ám chỉ Nga sẽ hoàn tất phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sau khi Washington và Berlin nhất trí triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Đức từ năm 2026.
Lực lượng không quân Ukraine ban đầu thông báo tên lửa phóng vào Dnipro là ICBM. Nhưng các nguồn tin từ Mỹ và Anh tin rằng đó là IRBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn dưới 5.500km. Nếu được phóng từ phía Tây Nam nước Nga, tầm bắn này có thể vươn tới châu Âu.
NATO sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Ông Timothy Wright - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - nhận định việc Nga triển khai các loại tên lửa mới có thể ảnh hưởng tới quyết định mua hệ thống phòng không và theo đuổi kịch bản tấn công nào của các quốc gia NATO.
Moscow đã chỉ trích căn cứ phòng thủ tên lửa đạn đạo mới của Mỹ ở miền Bắc Ba Lan. Căn cứ của Mỹ tại Redzikowo là một phần trong lá chắn bao trùm của NATO và được thiết kế đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung.
Song vụ việc hôm 21-11 chủ yếu là nhằm phản ứng với việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp tấn công lãnh thổ Nga.
Tổng thống Putin nói gì?
Ông Putin khẳng định động thái này “là phản ứng trước kế hoạch sản xuất và triển khai tên lửa tầm trung, tầm ngắn của Mỹ” và Nga sẽ “phản ứng quyết liệt và cân xứng” trong trường hợp xung đột leo thang.
"Mỹ đã phạm sai lầm khi đơn phương phá hủy hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn vào năm 2019 với một cái cớ lố bịch" - tổng thống Nga ám chỉ tới Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Mỹ chính thức rút khỏi INF ký năm 1987 với Nga hồi 2019, sau khi tuyên bố Moscow vi phạm thỏa thuận. Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc.
Có tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn về vụ Nga phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik vào Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]