Tên lửa 'bất khả chiến bại' Sarmat của Nga được phê duyệt để đưa vào hoạt động
Yury Borisov - người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos tuyên bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat, một trong những vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Nga, đã được phê duyệt để đưa vào hoạt động.
Tên lửa Sarmat. Ảnh: AP
Thông tin trên được tiết lộ hôm 1/9 trong một sự kiện của Roscosmos. Sarmat được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất và nặng nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tên lửa này được dự định thay thế cho tên lửa R-36M2 Voevoda đã lỗi thời. Tầm bắn của Sarmat ước tính ít nhất là 11.000 km.
Sarmat được thiết kế để vượt qua tất cả các hệ thống phòng không hiện có, có tốc độ cao hơn nhiều so với Voevoda và "có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi hầu như không giới hạn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi Sarmat là vũ khí mang lại cơ hội mới để đánh bại các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Ví dụ, các ICBM tầm ngắn hơn chỉ có thể đến Mỹ từ Nga bằng cách bay qua Bắc Cực, và Mỹ có các hệ thống đánh chặn trên mặt đất để đối phó với tên lửa có đường bay như vậy.
Ông Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga buộc phải phát triển vũ khí mới sau khi Mỹ từ bỏ cam kết không chế tạo hệ thống chống tên lửa đạn đạo ABM.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu báo cáo vào tháng 12/2022 rằng việc triển khai Sarmat đã bắt đầu và tên lửa này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2023.
Truyền thông Nga cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ năm Su-57 của Nga sẽ sớm nhận được các tên lửa mới có tầm bắn lên đến 300 km.
Nguồn: [Link nguồn]