Tây Thái Bình Dương - Sóng ngầm đã nổi
Ngày 3/5, tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines tề tựu, để tái khẳng định những cam kết hợp tác quốc phòng trong thời gian tới. Cùng lúc, ngoài khơi vùng biển thuộc lãnh hải Philippines, cuộc tập trận thường niên Balikatan tiếp diễn, với những hoạt động bắn đạn thật hướng về phía Biển Đông. Dường như, những vùng xoáy mới lại bắt đầu lộ diện, suốt một dải Tây Thái Bình Dương.
Sau làn khói súng
Diễn ra từ ngày 22/4 đến 10/5, cuộc tập trận Balikatan năm nay, bao gồm diễn tập về an ninh hàng hải, phòng không và tên lửa, phòng thủ mạng và thông tin..., có sự tham gia của khoảng 16.700 binh sĩ. Tuy nhiên, rất đáng chú ý, khác với mọi lần tổ chức trước, Balikatan lần này có thêm hai lực lượng hải quân "khách mời": Pháp và Australia.
Từ trước tới nay, Balikatan được đánh giá là cuộc diễn tập quân sự có quy mô toàn diện nhất, trong số các cuộc tập trận quân sự giữa Philippines và Mỹ. Do đó, sự góp mặt của hai thành phần mới hiển nhiên đã thu hút sự chú ý của giới quan sát toàn cầu, đặc biệt là từ phía Trung Quốc - nước tuyên bố chủ quyền đơn phương ở hầu hết Biển Đông, mà Philippines cũng là một bên tranh chấp.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines trong một mối liên hệ gần gũi đang thành hình.
Trên lý thuyết, các quan chức Mỹ và Philippines đều mô tả hoạt động thường niên lần này không nhắm tới nước thứ ba, mà chỉ hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước. Song, thực tế, chiều ngày 2/5, hàng loạt rocket đã được phóng về hướng Biển Đông, trong khuôn khổ nội dung diễn tập bắn đạn thật, được tiến hành gần ngôi làng ven biển Campong Ulay ở Palawan, một đảo nhỏ của Philippines.
Theo tờ South China Morning Post, rocket được phóng hướng ra Biển Đông từ hai hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142, một bệ phóng tên lửa hạng nhẹ có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa tới 80 km. Cuộc diễn tập có sự tham gia của cả pháo binh, súng máy và tên lửa chống tăng Javelin. Về việc tiến hành tập trận bắn đạn thật gần khu vực xảy ra nhiều cuộc đụng độ trên biển thời gian qua giữa Bắc Kinh và Manila, Chuẩn tướng quân đội Philippines Romulo Quemade II giải thích: "Chúng tôi mô phỏng một mối đe dọa đến từ ngoài khơi, do đó chúng tôi đang sử dụng khả năng đa lĩnh vực của mình để bảo vệ chủ quyền. Đó là một khoảng cách khá xa và chúng tôi chỉ khai hỏa trong lãnh hải của mình".
Người đồng cấp của ông bên phía quân đội Mỹ - Chuẩn tướng Bernard Harrington cũng nhấn mạnh: hoạt động này không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và "Mọi thứ chúng tôi thực hiện đều nằm trong phạm vi ranh giới lãnh thổ của Philippines".
Tuy vậy, đối với các nhà phân tích, điều thật sự đáng chú ý có lẽ lại không nằm trong khói đạn Balikatan - điều có lẽ sẽ dễ dàng lắng xuống sau một thời gian. Bị che khuất sau lớp màn mỏng và những âm thanh ầm ĩ đó, thực ra, là một kết cấu đang sẵn sàng hình thành và hiện hữu lâu dài, thông qua Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ hai, giữa Mỹ - Australia - Nhật Bản - Philippines, tại Hawaii.
Tại đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ, về việc củng cố quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Ông cũng đồng thời cho biết: Cuộc gặp diễn ra tại Hawaii này là nhằm thúc đẩy một tầm nhìn chung, về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước đã thảo luận tình hình an ninh hiện nay trong khu vực, cũng như các sáng kiến mới nhằm củng cố an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nỗ lực này bao gồm mở rộng tiến hành thêm các cuộc diễn tập trên biển và thúc đẩy hỗ trợ an ninh cho Philippines. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có các cuộc gặp song phương riêng rẽ với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cùng một cuộc gặp 3 bên với người đồng cấp từ hai nước này.
Phác thảo những mối liên kết mới
Có lẽ cũng cần phải nhắc lại, Mỹ và Australia hiện cũng đang đều là thành viên của liên minh quân sự AUKUS (bao gồm Mỹ - Anh - Australia, thành lập năm 2021). Không chỉ vậy, cùng với Ấn Độ, cả Mỹ, Nhật Bản và Australia đều là thành viên của nhóm bộ tứ QUAD (Đối thoại tứ giác an ninh, Quadrilateral Security Dialogue) - một diễn đàn chiến lược không chính thức, được thành lập năm 2007 nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin và diễn tập quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn, trong thời gian qua, vào ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên tại thủ đô Washington (Mỹ). Hội nghị nhằm củng cố quan hệ 3 nước thông qua các chương trình hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời là nỗ lực để thúc đẩy sự xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Các nhà lãnh đạo 3 quốc gia thống nhất: Quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng 3 bên, bao gồm thông qua huấn luyện hải quân kết hợp và các cuộc tập trận giữa 3 nước cũng như các đối tác bổ sung và bằng cách phối hợp hỗ trợ giữa Mỹ và Nhật Bản cho các ưu tiên hiện đại hóa quốc phòng của Philippines.
Balikatan 2024 - sự thay đổi và nỗi lo gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Xâu chuỗi những diễn biến này, có những mối dây xuyên suốt mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra: Sự có mặt ở vị trí trung tâm của nước Mỹ trong các cấu trúc quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương, đang mở rộng phạm vi như những vòng sóng đồng tâm. Nói cách khác, chiến lược "Xoay trục" (về châu Á - Thái Bình Dương) đang được Washington "tăng tốc".
Theo Reuters, Mỹ đã tăng cường xây dựng quan hệ đối tác, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để thiết lập một lực lượng đối trọng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chỉ trong 3 năm qua, Mỹ đã củng cố quan hệ song phương với Nhật Bản, Philippines, Singapore và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các hợp tác tập thể giữa các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, Australia và Anh, giờ đây là Nhật Bản và Philippines.
Điều này, hiển nhiên, đã gặp phải không ít "làn gió ngược", nhất là từ phía Trung Quốc. Trong cuộc tiếp kiến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vào ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "nhắc nhớ": Bắc Kinh và Washington nên là đối tác thay vì đối thủ, giúp nhau thành công, tìm kiếm điểm chung và tôn trọng lời nói bằng hành động; đồng thời nhắc lại 3 nguyên tắc then chốt trong quan hệ Trung-Mỹ, đó là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng thắng. Về cuộc tập trận Balikatan đang diễn ra, phía Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ, cáo buộc Philippines "kết bè kết phái" với các nước ngoài châu Á, đồng thời cảnh báo hoạt động trên có thể kích động đối đầu, làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.
Những động thái này phù hợp với nhận định của Evan Resnick, thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS): "Các quốc gia thường tham chiến vì họ cảm thấy rằng họ bị bao vây và sự sinh tồn của họ đang gặp nguy hiểm", cũng như nhận xét của ông Richard Javad Heydarian, giáo sư địa chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines: Những diễn biến từ Washington và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc cảm thấy đang bị "bao vây chiến lược" và Bắc Kinh sẽ không ngồi yên. Từ đó, sự hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á và Đông Á nói riêng cũng như châu Á nói chung bị đe dọa.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo: Sự can dự ngày một sâu của Mỹ cũng có thể gây chia rẽ nội bộ ASEAN, cũng như vai trò trung tâm mà các quốc gia này đang thúc đẩy tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và an ninh của các quốc gia khác trong việc đàm phán, giải quyết các vấn đề bất đồng quan điểm. Sự hậu thuẫn từ các quốc gia lớn cho một số quốc gia sẽ khiến các nước còn lại bị mất lợi thế, dù lợi ích của họ là hợp pháp so với luật pháp quốc tế.
Dù sao, những mối liên hệ chiến lược vẫn cứ đang được "hoài thai", hay củng cố, cũng như những cuộc tập trận bắn đạn thật vẫn đang phát đi các tín hiệu âm thầm nhưng mạnh mẽ. Tây Thái Bình Dương, bởi vậy, cũng đã bắt đầu "nổi sóng" mãnh liệt hơn, theo đà tiến triển của các kết cấu in đậm màu quân sự...
Mỹ sẽ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới ở châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm 2024.
Nguồn: [Link nguồn]