Tàu sân bay Sơn Đông của TQ ở "cửa ngõ Biển Đông” chỉ là “hổ giấy”?
Trung Quốc hôm 17.12 đã biên chế tàu sân bay Sơn Đông với những tham vọng lớn, nhưng giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế về năng lực chiến đấu vì chỉ là phiên bản làm lại của tàu sân bay Liêu Ninh.
Tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc có vẻ ngoài khá giống nhau.
Trung Quốc hôm 12.12 đã biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên, đánh dấu việc Bắc Kinh sở hữu hai tàu sân bay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt trên tàu sân bay Sơn Đông tại căn cứ hải quân ở Tam Á, phía nam đảo Hải Nam. Đây cũng là căn cứ chính của tàu sân bay Sơn Đông.
Sự xuất hiện của tàu sân bay Sơn Đông ở nơi được coi là “cửa ngõ Biển Đông” được nhắc đến trong bài xã luận đăng trên tài khoản mạng xã hội liên kết với tờ Nhân dân Nhật báo.
"Nhóm tác chiến tàu sân bay do Sơn Đông dẫn đầu cũng sẽ được triển khai ở Biển Đông. Nhiều khả năng nhóm này sẽ phải chạm trán trực diện với các tàu bè của quân đội nước ngoài", bài xã luận viết.
Với việc đưa tàu sân bay Sơn Đông vào hoạt động, hải quân Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng thứ 2 trên thế giới, cùng với hải quân hoàng gia Anh vận hành 2 tàu sân bay mang theo các chiến đấu cơ, chuyên gia David Axe nhận định trên National Interest.
Nhưng chuyên gia Axe cho rằng Sơn Đông vẫn chưa phải là một tàu sân bay hoàn hảo. Thiết kế thủy động lực học và cách bố trí đường băng làm hạn chế năng lực chiến đấu của tàu sân bay trong hạm đội.
Đó là bởi vì Sơn Đông chỉ là phiên bản làm lại, tối ưu hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh – vốn là tàu sân bay dở dang, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine.
Tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông không có máy phóng máy bay như 10 tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Trung Quốc cũng không có chiến đấu cơ cất cánh thẳng đứng như Harrier hay F-35B, nên chỉ có thể sử đụng đường băng kiểu “nhảy cầu” cho các tiêm kích hạm J-15 cất cánh.
Ngoài tàu sân bay, tiêm kích J-15 cũng là phiên bản nhái không hoàn hảo của tiêm kích hạm Su-33 do Nga sản xuất. Thiết kế kiểu “nhảy cầu” làm hạn chế tải trọng máy bay khi cất cánh, từ đó làm giảm năng lực chiến đấu của tàu sân bay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân lên tàu sân bay Sơn Đông.
Theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc, đường băng kiểu “nhảy cầu” giới hạn tải trọng tối đa của máy bay dưới 30 tấn. Tải trọng này không đủ để J-15 mang theo toàn bộ vũ khí và nhiên liệu, làm hạn chế tầm hoạt động của máy bay.
Bên cạnh đó, J-15 phải tác chiến mà hầu như không có sự hỗ trợ từ các loại máy bay khác. Thiết kế đường băng kiểu “nhảy cầu” đồng nghĩa rằng tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông không thể cất cánh máy bay hỗ trợ chuyên dụng như máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm.
Để bù đắp những thiếu hụt này, Trung Quốc đã phát triển trực thăng Z-18 và mua thêm trực thăng Ka-31 của Nga với radar giám sát trên không. Tàu sân bay Sơn Đông đã được cải thiện về khả năng chứa máy bay, nên mang theo được tới 36 tiêm kích J-15, so với 24 chiếc trên tàu Liêu Ninh. Tuy vậy, Sơn Đông vẫn có những điểm yếu cố hữu giống như tàu Liêu Ninh.
Trong tương lai, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 3 có kích thước lớn hơn, có máy phóng hơi nước và có thể được hạ thủy trong năm 2020. Đó mới là lúc những nhược điểm của tàu sân bay Liêu Ninh được giải quyết một cách triệt để, theo tác giả David Axe.
Theo thông tin mới nhất, Trung Quốc có thể sẽ chỉ hoàn thiện nốt hai tàu sân bay thứ 3 và thứ 4. Các tàu thứ 5 và thứ 6 sẽ bị trì hoãn vô thời hạn, do Bắc Kinh chưa thể đem động cơ hạt nhân lên tàu sân bay, cũng như vấn đề kinh tế khó khăn dẫn đến thiếu hụt kinh phí.
Như vậy, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc và thậm chí là các tàu sân bay sau này vẫn có năng lực chiến đấu thua kém với tàu sân bay Mỹ. Về điểm này, tác giả David Axe cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đuổi kịp được Mỹ.
Tàu sân bay Sơn Đông mới chính thức được bàn giao cho hải quân Trung Quốc có thể kết hợp cùng tàu sân bay Liêu Ninh để...
Nguồn: [Link nguồn]