Tàu sân bay Mỹ "thảm bại" khi tập trận với nước khác
Báo cáo mới của hãng tin Reuters cho thấy các tàu sân bay của Mỹ dễ bị tấn công bởi tàu ngầm hay tên lửa chống hạm.
Tàu sân bay USS John F. Kennedy của Hải quân Mỹ.
Trong bài phát biểu gần đây trên tàu sân bay USS Gerald Ford, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến hạm đắt nhất trong lịch sử Mỹ sẽ không thể bị đánh chìm. Nhưng tàu ngầm cùng với vũ khí chống hạm mới đã nhiều lần khiến tàu sân bay của Washington “thảm bại” trong các cuộc tập trận trước đây.
Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc tập trận vào năm 2015, tàu ngầm Pháp đã tạo ra hệ thống phòng phủ nhiều lớp để “vô hiệu hóa” tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở ngoài khơi bờ biển bang Florida.
Từ những năm 1980, các cuộc tập trận mô phỏng chiến đấu thực sự giữa Mỹ và các đồng minh cho thấy các tàu sân bay của Washington bị phá phá hủy hay đánh chìm ít nhất 14 lần, nhưng số lần chính xác không được Hải quân Mỹ tiết lộ.
Nga, Trung Quốc và Iran đều tăng cường khả năng chống hạm trong những năm gần đây. Điều này có thể khiến các tàu sân bay của Mỹ dễ bị phá hủy hơn.
Nếu tàu sân bay USS Gerald Ford bị đánh chìm bởi tàu ngầm hạt nhân hay tên lửa chống hạm của kẻ thù, khoảng 4.500 quân nhân, 70 máy bay và 12,9 tỷ USD cũng theo xuống dưới biển. Với ngân sách hải quân hạn chế, việc chi 12,9 tỷ USD cho một tàu chiến có thể cho thấy Hải quân Mỹ đã quá mạo hiểm hoặc thiếu đa dạng hóa.
Một báo cáo năm 2015 có tiêu đề “Đe dọa của Trung Quốc với các tàu chiến Mỹ” của tổ chức độc lập RAND Corporation có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ, chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc “đã tăng cường khả năng xác định và tấn công các đội tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách hơn 2.000 km từ bờ biển của nước này”.
Ngoài các tên lửa đạn đạo chống hạm, RAND Corporation cũng cho rằng quân đội Trung Quốc đang từng bước nâng cao khả năng tấn công của các tàu ngầm. Điều này có thể đặt đội tàu sân bay Mỹ gặp nguy hiểm khi hoạt động cách bờ biển Trung Quốc 2.000 km.