Tàu ngầm mạnh nhất Mỹ mang 20 tên lửa đạn đạo hạt nhân đến căn cứ gần TQ làm gì?
Tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất của hải quân Mỹ gần đây có chuyến đi hiếm hoi tới cảng Guam, gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ đến các đối thủ như Trung Quốc và Triều Tiên, trong khi tạo cơ hội hợp tác với các đồng minh trong khu vực, các nhà phân tích nhận định.
Tàu ngầm hạt nhân USS Nevada xuất hiện ở Guam ngày 15.1.
USS Nevada, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio tới căn cứ trên đảo Guam vào ngày 15.1. Tàu mang theo 20 tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident, mỗi tên lửa có khả năng phóng ra 12 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 11.300km.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Guam của một tàu ngầm lớp Ohio kể từ năm 2016 và là chuyến thăm công khai thứ hai kể từ những năm 1980. Guam cách đảo Đài Loan gần 3.000 km và là nơi đặt căn cứ quân sự gần nhất của Mỹ với lãnh thổ Trung Quốc.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio còn được gọi là “boomers” và lịch trình di chuyển của 14 chiếc boomers thuộc hải quân Mỹ là hoàn toàn tuyệt mật. Các tàu ngầm này luôn mang theo tên lửa hạt nhân, vận hành bí mật trên biển suốt nhiều tháng và chỉ phải quay về cảng để tiếp nhu yếu phẩm phục vụ 150 thủy thủ đoàn.
Theo CNN, một tàu ngầm lớp Ohio thường ra khơi trong khoảng 77 ngày trước khi quay về cảng bảo dưỡng và bổ sung nhu yếu phẩm trong 1 tháng.
Trong chuyến thăm ngày 15.1, hải quân đã đăng ảnh tàu ngầm USS Nevada một cách công khai. Đây là điều cực kỳ hiếm có vì con tàu chưa từng chụp ảnh ở nơi nào khác ngoài hai căn cứ quân sự ở bang Washington và bang Georgia.
Các tàu ngầm lớp Ohio nằm trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ, hoạt động bí mật nhằm đảm bảo khả năng sống sót nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident phóng từ tàu ngầm Mỹ dưới biển.
Hai vũ khí tấn công hạt nhân chiến lược còn lại của Mỹ là tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ đất liền Minuteman III và bom hạt nhân trang bị trên oanh tạc cơ B-2, B-52.
Nhưng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang vì vấn đề Đài Loan, cũng như Triều Tiên gần đây liên lục phóng tên lửa, Washington có thể cảm thấy cần phải đưa tàu ngầm mạnh nhất tới làm nhiệm vụ răn đe ở châu Á – Thái Bình Dương, theo các nhà phân tích.
Thông điệp cũng nhấn mạnh rằng tàu ngầm Mỹ có sức mạnh vượt trội mà Trung Quốc hay Triều Tiên đến nay vẫn chưa sánh bằng.
“Hoạt động trên gửi một thông điệp, dù là cố tình hay không: Đó là chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn hạt nhân ở bậc thềm nhà các vị mà các vị không hề biết hoặc không thể làm được gì nhiều. Và làm điều tương tự theo chiều ngược lại là không thể, trong một thời gian dài”, Thomas Shugart, cựu thuyền trưởng tàu ngầm hải quân Mỹ và hiện là nhà phân tích tại trung tâm an ninh CNAS, nói.
Triều Tiên những năm qua ráo riết đóng mới các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, nhưng dự án vẫn còn nằm ở giai đoạn sơ khai. Trung Quốc hiện có 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, nhưng công nghệ lỗi thời, bị tàu ngầm Mỹ lấn át hoàn toàn.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc cũng không có năng lực hủy diệt như các tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ, các nhà phân tích nhận định.
Tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc hoạt động ồn ào gấp đôi tàu ngầm hạt nhân Mỹ, rất dễ bị phát hiện, mang theo số lượng tên lửa và đầu đạn hạt nhân ít hơn.
Ngoài thông điệp răn đe, sự xuất hiện của tàu USS Nevada cũng đem tới cơ hội hợp tác với đồng minh, Alessio Patalano, giáo sư chuyên về chiến tranh và chiến lược tại Đại học King ở London (Anh), nói.
“Sự xuất hiện của tàu ngầm kiểu này, đặc biệt trong nhiệm vụ huấn luyện, giúp các đồng minh hiểu thêm về cách săn tìm tàu ngầm đối phương trong khu vực”, giáo sư Patalano nói.
“Triều Tiên đang muốn sở hữu tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo. Trung Quốc đã có một vài chiếc. Săn tìm các tàu ngầm này mang ý nghĩa quan trọng tương đương răn đe chiến lược”, ông Patalano nói thêm.
Năm 2016, tàu USS Pennsylvania từng có chuyến thăm công khai tới đảo Guam. Theo các nhà phân tích, căng thẳng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã leo thang đáng kể từ thời điểm đó, khiến Washington cảm thấy cần có thêm các hoạt động quân sự công khai.
“Sự xuất hiện của tàu USS Nevada nhắc nhở chúng ta về trật tự hạt nhân trên biển (Ấn Độ - Thái Bình Dương) và ý nghĩa của nó trong việc duy trì cân bằng chiến lược ở khu vực”, giáo sư Patalano nói thêm.
Tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga từng gặp sự cố vỡ làm đôi, chìm xuống đáy biển vào ngày 12.8.2000 ở độ sâu 108 mét,...
Nguồn: [Link nguồn]