Tàu ngầm mạnh nhất của Nga đe dọa vị thế thống trị Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen mạnh nhất của Nga, được coi là đối thủ đáng gờm, đối trọng với tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của hải quân Mỹ.
Ảnh minh họa.
National Interest mới đây đăng tải bài phân tích của tác giả Kyle Mizokami, nhận định về sức mạnh của hai tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của hải quân Nga, Mỹ trong cuộc đối đầu giả định trên chiến trường.
Cây viết gốc Nhật Mizokami phân tích, lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ nổi lên từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, trở thành một thế lực thống trị đáy biển. Kể từ khi Liên bang Nga hình thành, Moscow không có ngân sách để tiếp tục phát triển tàu ngầm.
Sau hơn 20 năm tàu ngầm Mỹ hiện diện ở khắp các đại dương, một thách thức mới nổi lên từ dưới biển sâu. Tàu ngầm hiện đại lớp Yasen của Nga xuất hiện, đe dọa sẽ đảo ngược cán cân quân sự Nga-Mỹ trên biển.
Tàu ngầm hiện đại nhất của Nga
Nga có kế hoạch đóng 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen.
Dự án chế tạo tàu ngầm Severodvinsk bắt đầu từ năm 1993, nhưng dự án nhiều lần bị trì hoãn do khó khăn về ngân sách.
Năm 2014, hải quân Nga đưa vào biên chế tàu ngầm tấn công hạt nhân K-329 Severodvinsk thuộc lớp Project 885 Yasen. Đây là tàu ngầm hạt nhân uy lực nhất trong hạm đội của Nga hiện nay.
Tàu ngầm lớp Yasen dài 119 mét, lượng giãn nước 13.800 tấn. Thủy thủ đoàn trên tàu chỉ vào khoảng 90 người, ít hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Điều này cho thấy mức độ tự động hóa đáng kể mà Nga tích hợp trong công nghệ đóng tàu ngầm.
Hình dạng con tàu gợi nhớ đến tàu ngầm lớp Akula nhưng cũng có những nét riêng, đặc biệt là ở hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng. Akula là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân chủ lực của Nga trước khi tàu ngầm lớp Yasen xuất hiện.
Severodvinsk được trang bị lò phản ứng hạt nhân mạnh mẽ, công suất 250MW. Con tàu đạt tốc độ tối đa khi nổi lên tới 29 km/giờ và 57 km/giờ khi lặn. Tàu ngầm lớp Yasen có thể hoạt động yên tĩnh tuyệt đối ở tốc độ 37 km/giờ.
Severodvinsk là tàu ngầm đầu tiên của Nga được lắp đặt hệ thống thủy âm hình cầu Irtysh-Amfora ở trước mũi, giúp nó có thể phát hiện các tàu ngầm, tàu nổi đối phương từ khoảng cách 600km, cũng như máy bay tầm thấp của địch từ khoảng cách 100km.
Các ống phóng ngư lôi của tàu được bố trí ra giữa thân, giống như các tàu ngầm Mỹ. Tàu ngầm Severodvinsk được trang bị 8 ống phóng ngư lôi, trong đó 4 ống cỡ lớn 650mm và 4 ống cỡ tiêu chuẩn 533mm. Con tàu này được cho là có thể mang theo khoảng 30 quả ngư lôi các loại.
Ống phóng ngư lôi của tàu cũng có thể chứa tên lửa 3M54 Klub, giúp tăng cường khả năng chống hạm, tấn công trên bờ và chống tàu ngầm. Nhằm gia tăng sức mạnh cho các tàu lớp Yasen, kỹ sư Nga thiết kế thêm 24 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Mỗi ống phóng chứa một tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Onik.
Tàu ngầm chủ lực của hải quân Mỹ
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Minnesota tại nhà máy đóng tàu.
Trong khi đó, tàu ngầm lớp Virginia là phiên bản tối ưu hơn của tàu ngầm lớp Seawolf, vốn được chế tạo tốn kém đến mức không cần thiết. Thành công trong các cuộc thử nghiệm đưa Virginia trở thành xương sống trong lực lượng tàu ngầm Mỹ.
Tàu ngầm Virgina dài 115 mét, ngắn hơn tàu ngầm Yasen của Nga khoảng 3 mét nhưng có lượng giãn nước chỉ bằng một nửa. Thủy thủ đoàn lên tới 113 người. Tàu ngầm được trang bị một lò phản ứng hạt nhân General Electric SG9, giúp đạt tốc độ tối đa 46 km/giờ khi nổi và 64 km/giờ khi lặn. Ngay ở tốc độ 46 km/giờ, con tàu hoạt động hoàn toàn yên tĩnh dưới nước.
Giống như tàu ngầm Nga, tàu ngầm lớp Virginia được trang bị hệ thống thủy âm hình cầu ở trước mũi. Tuy nhiên, sonar mạnh mẽ hơn giúp tàu Virginia phát hiện cả mìn để né tránh từ xa.
Tàu ngầm Virginia chỉ có 4 ống phóng ngư lôi 533mm, sử dụng ngư lôi hạng nặng Mk 48 và tên lửa Harpoon chống hạm. Phiên bản ban đầu được lắp đặt 12 ống phóng tên lửa Tomahawk dạng thẳng đứng. Phiên bản nâng cấp Block V sẽ bổ sung thêm các ống phóng để tàu ngầm có thể mang theo tối đa 40 tên lửa Tomahawk.
Cuộc đối đầu “cân tài, cân sức”
Tàu ngầm Yasen là vũ khí răn đe mới trong hạm đội tàu ngầm Nga.
Trong kịch bản đối đầu giữa tàu ngầm Virginia Block III và tàu ngầm Severodvinsk, tác giả Mizokami đã đưa ra nhận định về người chiến thắng.
Có thể nói, cả hai tàu ngầm là đỉnh cao công nghệ đóng tàu của Nga và Mỹ cho đến nay. Mỗi tàu ngầm sở hữu ưu thế riêng trong cuộc đối đầu “cân tài, cân sức này”.
Severodvinsk chậm hơn, nhưng lặn sâu hơn. Tàu ngầm Virginia nhanh hơn nhưng luôn phải dè chừng đối thủ ở độ sâu vượt trội. Lợi thế của Virginia đến từ hệ thống sonar tối tân nhất.
Xét trên phương diện vũ khí, hai tàu ngầm Nga, Mỹ đều có sức mạnh tương đương. Nhưng tàu ngầm Severodvinsk có khả năng chống ngầm tốt hơn nhờ vào phiên bản tên lửa Klub. So với ngư lôi, sử dụng tên lửa sẽ giúp tàu ngầm Nga tấn công phủ đầu mục tiêu trước.
Tàu ngầm Virginia hoạt động yên tĩnh hơn đối phương. Trong môi trường tác chiến thực tế, khả năng hoạt động yên tĩnh kết hợp với hệ thống sonar tối tân là yếu tố quan trọng nhất.
Nhờ vậy mà tàu ngầm Mỹ có thể sớm phát hiện ra tàu ngầm Severodvinsk của Nga, để đưa ra phương án ứng phó hợp lý. Bên cạnh đó, trong khi tàu ngầm Mỹ có thể nâng cấp hệ thống sonar nhờ vào phần mềm thì phía Nga thậm chí có thể sẽ cần phải thay thế toàn bộ hệ thống.
Mỹ hiện sở hữu 13 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia.
Tác giả Mizokami đánh giá, tàu ngầm Nga tạo ra tiếng ồn lớn hơn và không dễ khắc phục nhược điểm này. Do đó, có thể nói các ưu thế quan trọng đều thuộc về tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ tỏ ra thận trọng và từng công khai thừa nhận sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen của Nga.
Trong một hội thảo về tàu ngầm hải quân, Chuẩn Đô đốc Dave Johnson, phụ trách tàu ngầm của Bộ Tư lệnh Hệ thống Biển (NAVSEA) Mỹ từng tuyên bố: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm. Một trường hợp đáng chú ý là tàu Severodvinsk, phiên bản tàu ngầm tên lửa dẫn đường hạt nhân (SSGN) của Nga. Tôi bị ấn tượng với con tàu này đến mức đã ra lệnh chế tạo một mẫu tương tự”.
Trong tương lai, cuộc chạy đua công nghệ trong lĩnh vực tàu ngầm giữa Nga, Mỹ sẽ đánh dấu sự xuất hiện của phương tiện di chuyển không người lái dưới nước.
Đây là những yếu tố hứa hẹn cuộc chạy đua giành sự thống trị dưới dáy biển sâu sẽ một lần nữa bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, giữa hai siêu cường Nga và Mỹ, tác giả Mizokami kết luận.