Tàu ngầm Indonesia mất tích: Chuyên gia bàn về lượng oxy cho 53 người thở
Với 53 người trong tàu ngầm Indonesia mất tích, lượng oxy được xem là yếu tố "sống còn" nếu tàu gặp sự cố mất điện và vẫn còn nguyên vẹn.
Vị trí tàu ngầm Indonesia mất tích (khoanh tròn đỏ). Ảnh: SCMP
Trong lúc tham gia tập trận phóng ngư lôi hôm 21/4, KRI Nanggala 402, tàu ngầm Indonesia chở 53 người, đã mất tích khi ở cách đảo Bali khoảng 95 km về phía bắc.
Hôm 22/4, ông Yudo Margono, Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, cho biết, lượng oxy trong tàu ngầm còn duy trì được tới 3h sáng 24/4, trong trường hợp tàu ngầm gặp sự cố mất điện.
"Lượng oxy đủ dùng cho 72 tiếng. Tôi hy vọng sẽ tìm được tàu ngầm trước khi lượng oxy dự trữ cạn kiệt", ông Margono nói.
Một nguồn tin an ninh giấu tên chia sẻ với SCMP rằng tàu ngầm chỉ có sức chứa 34 thủy thủ nhưng "một số thành viên khác được bổ sung" trong cuộc tập trận.
Frank Owen, chuyên gia tại Viện tàu ngầm Úc, cho biết, các tàu ngầm thường có đủ lượng oxy dự trữ cho tình huống khẩn cấp trong 7 ngày mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài.
Lượng dưỡng khí dự phòng này được tạo ra từ nến hóa học (đốt tạo ra oxy), cũng như các hộp hút CO2 khi không khí đi qua các hộp này.
"Vấn đề nằm ở chỗ có 53 người trong tàu ngầm, trong khi sức chứa thủy thủ đoàn là 34. Điều đó có nghĩa là có thêm số người so với tiêu chuẩn thiết kế của hệ thống hỗ trợ khẩn cấp", Owen phân tích.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng ở Singapore, cho biết, mức độ thiệt hại của tàu ngầm và tình trạng của máy lọc CO2 là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho những người trong tàu ngầm.
"Nếu các máy lọc đó bị hỏng, không khí bên trong tàu ngầm sẽ có vấn đề", ông Koh nhận định.
"Điều quan trọng là tàu ngầm điện - diesel như chiếc Nanggala có nguồn cung cấp oxy hữu hạn (khác với tàu ngầm hạt nhân), phụ thuộc vào nguồn dự trữ trong tàu ngầm", ông Koh nói thêm.
Tàu ngầm nặng hơn 1.300 tấn có thể xuống tới độ sâu 250 - 500 mét nhưng các quan chức quân đội Indonesia cho biết, có khả năng con tàu bị chìm ở độ sâu 600 - 700 mét, khiến các chuyên gia lo ngại cho tính mạng của 53 người bên trong tàu ngầm.
"Nếu tàu ngầm chìm xuống đáy biển, độ sâu và áp suất vượt xa mức chịu đựng của nó. Thật không may, đó là án tử với những người bên trong", Zachary Abuza, giáo sư nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học chiến tranh quốc gia (Washington, Mỹ), nhận định.
Antoine Beaussant, phó đô đốc hải quân Pháp, cho biết, tàu ngầm KRI Nanggala 402 không thể chịu đựng được độ sâu lớn. "Nếu xuống tới độ sâu 700 mét, nhiều khả năng tàu ngầm sẽ không còn nguyên vẹn", ông Antoine chia sẻ với báo chí.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được cho là không chịu nổi áp suất khi xuống tới độ sâu 700 mét. Ảnh: Antara
Ngay cả với kịch bản lạc quan hơn, số phận của 53 người bên trong tàu ngầm cũng vẫn khó nói. Theo chuyên gia Owen, nếu tàu ngầm Indonesia vẫn ở độ sâu cho phép nhưng không còn năng lượng hoặc động cơ đẩy bị hỏng, "nó cũng không thể nổi lên được".
Julius Widjojono, phát ngôn viên hải quân Indonesia, chia sẻ với CNN Indonesia rằng, quốc gia này không có thiết bị để đưa tàu ngầm lên khỏi mặt nước. Vì vậy, Indonesia đã gọi điện cho Văn phòng liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế để nhờ hỗ trợ.
Singapore và Malaysia đã điều các tàu cứu hộ tới giúp đỡ Indonesia, dự kiến các tàu này tới nơi vào ngày 24/4. Quân đội Indonesia cho biết, cũng nhận được đề nghị hỗ trợ từ Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Indonesia đã cử 5 tàu chiến, một máy bay trực thăng và 400 nhân lực để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Hai tàu hải quân có khả năng phát hiện tàu ngầm đã được triển khai để tìm kiếm.
Một cuộc tìm kiếm trên không phát hiện vệt dầu loang gần vị trí mà tàu lặn xuất phát trước khi biến mất. Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, Margono, cho biết, giới chức cũng phát hiện một vật thể có "từ tính cao" ở độ sâu 50 - 100 mét.
Nguồn: [Link nguồn]
Indonesia không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của tàu ngầm chở theo 53 người, mất tích hôm 21.4, phát ngôn viên hải quân...