Tàu ngầm Indonesia chở 53 người mất tích: Vì sao tìm mãi không thấy?

Ở vùng biển phía bắc Bali, 25 tàu hải quân Indonesia cùng tàu cảnh sát biển, tàu hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng, tích cực tìm kiếm tàu ngầm chở 53 người mất tích, trước thời hạn sống còn vào rạng sáng ngày 24.4.

Tàu ngầm được thiết kế để hoạt động bí mật dưới biển.

Tàu ngầm được thiết kế để hoạt động bí mật dưới biển.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 chở theo 53 người mất tích một cách bí ẩn ở vùng biển ngoài khơi Bali vào sáng ngày 21.4. Cho đến chiều ngày 23.4, các lực lượng cứu hộ cùng hải quân Indonesia vẫn đang tích cực xác định vị trí của tàu ngầm.

Liên lạc với tàu ngầm không hề dễ dàng

Theo tờ The Conversation, có nhiều thách thức khi tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Xác định vị trí chính xác của tàu ngầm là điều không hề dễ dàng. Tàu ngầm vốn là một phương tiện quân sự hoạt động bí mật.

Khi con tàu lặn xuống dưới biển để phóng ngư lôi trong cuộc tập trận thường kỳ, hải quân Indonesia dường như không giữ tín hiệu theo dõi. Đó là bởi rất khó để duy trì liên lạc với tàu ngầm bằng sóng siêu âm, ngay cả ở cự ly rất gần.

Hải quân Indonesia chờ đợi tín hiệu liên lạc trở lại của tàu ngầm sau khi thực hiện nhiệm vụ phóng ngư lôi. Nhưng tàu ngầm đã không gửi tín hiệu, cũng không gửi bất thông điệp khẩn cấp nào.

Phạm vi tìm kiếm rất rộng

Dù có đông lực lượng cứu hộ như thế nào, sử dụng các cảm biến tiên tiến đến đâu, phạm vi tìm kiếm tàu ngầm vẫn tạo ra thách thức lớn, theo The Conversation.

Tàu hải quân Singapore tham gia hỗ trợ tìm kiếm.

Tàu hải quân Singapore tham gia hỗ trợ tìm kiếm.

Tàu ngầm di chuyển càng nhanh, càng mất tín hiệu lâu, khu vực tìm kiếm càng rộng.

Thông thường, tàu ngầm có thể rải phao cứu hộ nổi trên mặt nước để đánh dấu vị trí trong trường hợp tai nạn xảy ra. Nhưng điều kiện cần là các thủy thủ vẫn còn năng lực phản ứng, dù bị mắc kẹt dưới biển.

Ở vùng biển nông, phao cứu hộ vẫn có thể kết nối với tàu ngầm bằng dây dẫn. Ở vùng biển sâu, phao cứu hộ nổi tự do trên biển. Đội cứu hộ phải tính toán thời điểm tàu ngầm thả phao cứu hộ để có thể xác định vị trí chính xác do ảnh hưởng của thủy triều.

Trong trường hợp của tàu ngầm Indonesia, ngay trong ngày 21.4, đội cứu hộ đã xác định vệt dầu loang nghi của tàu ngầm mất tích.

Rất khó xác định tàu ngầm giữa lòng biển

Trừ khi con tàu phát tín hiệu liên lạc, rất khó để xác định một tàu ngầm nằm im dưới đáy biển, theo The Conversation. Trường hợp tương tự từng xảy ra đối với tàu ngầm San Juan của Argentina năm 2017, khi nó chìm ở độ sâu 900 mét. Phải đến hơn một năm sau, xác tàu ngầm mới được tìm thấy.

Ngay cả khi tàu ngầm được tìm thấy, không có gì đảm bảo có người sống sót. Dưỡng khí hạn chế là một trong những thách thức khác, buộc nhóm cứu hộ phải tìm thấy tàu ngầm trong thời gian ngắn.

Thời gian giải cứu có hạn

Đối với các tàu ngầm mất tích, thời gian không phải là thứ đứng về phía những thủy thủ còn sống sót. Hải quân Indonesia ngày 22.4 thông báo, những người trên tàu chỉ có đủ dưỡng khí trong 72 giờ kể từ khi tàu ngầm ngừng hoạt động. Rạng sáng ngày 24.4 sẽ là thời hạn chót để đội cứu hộ Indonesia tìm kiếm người sống sót.

Ở thời điểm mất tích, tàu KRI Nanggala-402 hoạt động ở vùng biển sâu 700 mét. Nếu tàu chìm xuống đáy biển, các thủy thủ sẽ không thể thoát ra ngoài bằng khoang cứu hộ khẩn cấp, vì độ sâu tối đa mà tàu ngầm chịu đựng được là 500 mét.

Trong trường hợp tàu ngầm vẫn còn nguyên vẹn, đưa thiết bị cứu hộ xuống độ sâu 700 mét cũng là điều rất khó khăn, cần có thời gian dài chuẩn bị.

Hải quân Ấn Độ có tàu ngầm cứu hộ hoạt động ở vùng biển sâu, sẵn sàng tham gia hỗ trợ, nhưng phải mất 6 ngày tàu mới tới được vị trí ngoài khơi Bali.

Nguồn: [Link nguồn]

Tàu ngầm Indonesia mất tích: Chuyên gia bàn về lượng oxy cho 53 người thở

Với 53 người trong tàu ngầm Indonesia mất tích, lượng oxy được xem là yếu tố "sống còn" nếu tàu gặp sự cố mất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - The Conversation ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Indonesia mất tích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN