“Tàu ma” trôi dạt trên khắp các đại dương, điều gì là thủ phạm?
Không chỉ có trên phim ảnh và trong những câu chuyện cổ xưa, ngày nay, vẫn còn rất nhiều “tàu ma” đang trôi dạt trên các đại dương.
Nguyên nhân khiến “tàu ma” xuất hiện có thể không đáng sợ như nhiều người nghĩ (ảnh: Grunge)
Nhắc đến “tàu ma”, nhiều người có thể liên tưởng đến những con tàu bí ẩn, thoắt ẩn thoắt hiện trên biển như bị “ma ám”. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, lý do khiến những con “tàu ma” trôi dạt trên biển lại dễ hiểu và ít đáng sợ hơn rất nhiều.
1. Sự cố kỹ thuật
Chưa cần đến những lời nguyền đáng sợ, những lý do như động cơ bị hư hỏng, trục trặc kỹ thuật ở phòng điểu khiển đã đủ để khiến một số con tàu bị thả trôi trên biển. Đây chính xác là những gì đã xảy với “tàu ma” nổi tiếng MV Alta, theo Grunge.
Năm 2018, trên hành trình di chuyển từ Hy Lạp đến Haiti, tàu MV Alta nặng hơn 2.400 tấn bị hỏng động cơ chính khi còn cách điểm đến hơn 2.200 km. Thủy thủ đoàn của MV Alta đã được lực lượng tuần duyên Mỹ giải cứu. Mọi nỗ lực sửa chữa con tàu đều vô vọng.
Tàu MV Alta dạt vào bờ biển Anh (ảnh: The Sun)
Thay vì được lai dắt vào bờ, MV Alta bị bỏ lại ngoài khơi và trôi vô định khi không còn thủy thủ đoàn. Từ năm 2018 – 2020, con tàu được phát hiện ở các vùng biển thuộc châu Mỹ, châu Phi và châu Âu trong tình trạng vô chủ.
Ngày 16/2/2020, tàu MV Alta dài 77 mét kết thúc hành trình lang thang trên biển sau khi bị bão Dennis đánh dạt vào làng chài Ballycotton ở hạt Cork (Ireland). Khi được phát hiện, tàu MV Alta vẫn ở trong tình trạng khá nguyên vẹn, theo Sky News.
Chủ sở hữu thực sự của tàu MV Alta đễn nay vẫn còn là bí ẩn. Trong chuyến ra khơi lần cuối cùng, tàu này mang cờ của Tanzania (quốc gia ở Đông Phi).
Băng là nguyên nhân khiến nhiều con tàu bị mắc kẹt (ảnh: AP)
2. Yếu tố tự nhiên
Khi ra khơi, các con tàu thường khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các tác động của tự nhiên, đặc biệt là thời tiết.
Tháng 8/1854, tàu HMS Resolute của Anh bị mắc kẹt trong băng khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm một đoàn thám hiểm ở vùng biển gần Bắc Cực. Quá chán nản vì không thể phá băng, thủy thủ đoàn đã bỏ mặc tàu HMS Resolute và về Anh bằng một tàu khác, theo History.
Con tàu sau đó tự tách khỏi băng và trôi dạt trên biển. Năm 1855, tàu HMS Resolute được một ngư dân Mỹ phát hiện. Để xây dựng tình hữu nghị với Anh, chính phủ Mỹ đã chi 40.000 USD mua lại tàu HMS Resolute và gửi lại cho Nữ hoàng Anh Victoria.
“Đáp lễ” nước Mỹ, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh xẻ tàu HMS Resolute để lấy gỗ. Một phần gỗ tàu được đóng thành chiếc bàn lớn tuyệt đẹp và gửi đến tổng thống Mỹ. Đây là chiếc Bàn Kiên định gắn bó với nhiều đời tổng thống Mỹ và vẫn được đặt trong Phòng Bầu dục cho đến ngày nay. Tên của chiếc bàn được cho là lấy ý tưởng từ việc con tàu HMS Resolute bị mắc kẹt trong băng.
Một “tàu ma” khác cũng từng mắc kẹt trong băng là Baychimo của Thụy Điển. Con tàu nổi tiếng được đóng xong vào năm 1914, nặng hơn 1.300 tấn và chạy bằng động cơ hơi nước hiện đại nhất thời bấy giờ. Tàu Baychimo được sử dụng để chở hành khách và sản phẩm da qua lại giữa Alaska, Đức và Thụy Điển, theo Guardian.
Ngày 1/10/1931, ở lần vượt biển thứ 10, tàu Baychimo bị mắc kẹt trong lớp băng dày gần thành phố Barrow, vùng Alaska, do một cơn bão tuyết. Thuyền trưởng John Cornwell và 14 thành viên thủy thủ đoàn đã dùng nhiều cách giải cứu con tàu nhưng bất thành. Ngày 25/10/1931, một trận bão tuyết khổng lồ ập đến, tàu Baychimo “biến mất” khỏi nơi mắc kẹt. Nhiều người cho rằng gió quá lớn đã giúp con tàu tự phá băng.
Lần cuối cùng tàu Baychimo được nhìn thấy là vào năm 1969. Đến nay, con tàu này có thể vẫn còn lang thang trên khắp các đại dương.
Đóng băng không phải yếu tố tự nhiên duy nhất tạo ra những con “tàu ma”. Tháng 3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter đã gây ra sóng thần ở Nhật Bản. Tàu Ryou Un Maru đang neo ở cảng phế liệu Hokkaido bị sóng đánh trôi ra biển, theo CNN.
Ban đầu, đội tìm kiếm cho rằng tàu Ryou Un Maru đã bị chìm. Nhưng khoảng một năm sau, không quân Canada phát hiện tàu này đang trôi dạt ở vùng biển thuộc Canada.
Tháng 4/2012, tàu Ryou Un Maru trôi đến vùng vịnh Alaska (Mỹ) và bị lực lượng tuần duyên Mỹ đánh chìm.
Tàu Lyubov Orlova trước khi trôi dạt (ảnh: RT)
3. Bị bỏ mặc vì có thể gây họa
Năm 1976, tàu Lyubov Orlova nặng 4.250 tấn được Liên Xô đóng với mục đích chở khách du lịch qua Bắc Cực và Đại Tây Dương. Sau khi hết hạn sử dụng, con tàu neo ở đảo Newfoundland (Canada) và năm 2013 được kéo về Dominica để dỡ thành phế liệu. Trên đường vận chuyển, tàu lai dắt tàu Lyubov Orlova gặp phải thời tiết xấu. Để tránh sự cố cho tàu kéo, tàu Lyubov Orlova bị bỏ lại giữa Đại Tây Dương, theo The Sun.
Ban đầu, người ta nghĩ tàu Lyubov Orlova đã bị chìm do biển động, nhưng sau đó con tàu thỉnh thoảng vẫn được bắt gặp khi đang trôi dạt giữa vùng biển Scotland và Iceland. Lần cuối cùng tàu Lyubov Orlova được nhìn thấy là vào năm 2014.
Theo The Sun, khi còn neo ở cảng Newfoundland, tàu Lyubov Orlova đã bị chuột xâm nhập. Lũ chuột trên tàu hung dữ đến nỗi ăn thịt đồng loại để sinh tồn và có thể mang mầm bệnh. Vị trí vô định của tàu Lyubov Orlova cùng tin đồn mang mầm bệnh là 2 nguyên nhân khiến con tàu bị bỏ mặc cho đến ngày nay. Nếu đem tàu Lyubov Orlova bán phế liệu, người ta có thể thu được 1 triệu USD.
Tàu bị bỏ mặc ngoài khơi có thể gây ra thảm họa môi trường do tràn dầu (ảnh: CBC)
4. Dịch Covid-19
Theo trang web về thương mại điện tử Statistica, năm 2020, số lượng tàu bị bỏ rơi trên thế giới đã tăng 80% so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ. Nhiều công ty vận tải biển gặp khó khăn đã quyết định “quỵt lương” của thủy thủ đoàn.
Statistica cho hay, trong năm 2020, có hơn 70 con tàu và 1.000 thủy thủ bị bỏ rơi. Tức giận vì không được trả lương, nhiều thuyền viên đã bỏ mặc tàu ngoài khơi và khiến chúng bị trôi dạt.
Nguồn: [Link nguồn]
Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một mối đe dọa hạt nhân khác do hệ thống tên lửa đường sắt Barguzin đang được phát triển ở Nga.