Tàu chở dầu hóa "bom nổ chậm", 3,7 triệu lít dầu sắp nhuộm đen biển Đỏ?

Sự kiện: An ninh thế giới

Một tàu chở dầu bị bỏ rơi ở ngoài khơi bờ biển Yemen sẽ nhuộm đen khu vực biển Đỏ nếu nó phát nổ khiến 3,7 triệu lít dầu tràn ra biển.

Tàu chở dầu với 3,7 triệu lít dầu nếu phát nổ sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng

Tàu chở dầu với 3,7 triệu lít dầu nếu phát nổ sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng

Theo RT, tàu chở dầu thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Yemen hiện neo đậu gần bến cảng Ras Isa của Yemen. Nó chứa khoảng 1,1 triệu thùng dầu nhưng bị mắc kẹt tại vị trí hiện tại từ năm 2015.

Suốt thời gian dài không được bảo trì, tàu chở dầu này đang xuống cấp nhanh chóng và có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường toàn cầu vì số lượng dầu khổng lồ nó đang chở.

Các chuyên gia cảnh báo việc tích tụ khí gas bên trong tàu sẽ biến nó thành một "quả bom nổ chậm". Nếu vụ nổ xảy ra, thảm họa sẽ đến khi 3,7 triệu lít dầu sẽ tràn ra vùng biển xung quanh. Không những vậy, nó còn gây nguy hiểm với bất cứ tàu thuyền nào ở gần.

Theo Mark Lowcock, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, tùy thuộc vào thời điểm trong năm và dòng nước, số dầu tràn ra biển có thể nhanh chóng chảy tới kênh đào Suez và thậm chí lan ra cả eo biển Hormuz.

"Bạn có thể tưởng tượng hậu quả của thảm họa mà hàng triệu lít dầu tràn gây ra với môi trường, các tuyến đường vận chuyển và nền kinh tế toàn cầu. Các bên liên quan đang tiếp tục thảo luận để giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể", ông Lowcock cho biết.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cũng nói với Hội đồng Bảo an rằng nhân viên của ông đã lên kế hoạch đánh giá rủi ro của tàu chở dầu nếu gặp sự cố trong tuần này. Tuy nhiên, nhóm của ông gặp khó khăn khi chính quyền địa phương từ chối cung cấp giấy phép cần thiết. 

Một phần chính phủ Yemen do lực lượng Houthi kiểm soát, ban đầu yêu cầu sự hỗ trợ với "quả bom nổ chậm" nhưng sau đó các quan chức Houthi lại "trì hoãn" quá trình giúp đỡ của LHQ. Lực lượng này trước đây muốn được hưởng một phần lô hàng trên tàu chở dầu tương đương với 60 triệu USD sau khi con tàu được trục vớt. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt quốc tế lên Yemen khiến ý định này không thành hiện thực. Đây được cho là lý do khiến chính phủ Yemen dưới sự kiểm soát của lực lượng Houthi gây khó dễ cho LHQ.

Trong khi đó, phần còn lại của chính phủ Yemen dưới sự hậu thuẫn của Ả Rập Saudi đã lợi dụng việc tàu chở dầu đang xuống cấp nghiêm trọng để chỉ trích đối thủ.

Kể từ cuộc nội chiến xảy ra năm 2015, hai phe liên tục tranh giành quyền hợp pháp tại Yemen. Cuộc xung đột đẩy Yemen rơi vào một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, theo LHQ và các nhóm nhân quyền. Hơn 14 triệu người Yemen sống nhờ viện trợ quốc tế trong tổng dân số 24 triệu người của quốc gia này.

Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh: Điều gì khiến tàu chiến Anh bất lực?

Nữ thủ tướng Anh Theresa May hôm 22/7 sẽ chủ trì buổi họp với ủy ban khẩn cấp Cobra trong bối cảnh căng thẳng giữa Anh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN