Tàu chiến mạnh nhất của Hạm đội Thái Bình Dương Nga tới Biển Đỏ
Hai tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã tới khu vực Biển Đỏ, trong đó có tàu tuần dương tên lửa Varyag, hải quân Nga cho biết.
Tàu tuần dương tên lửa Varyag, soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Ảnh: RIA Novosti.
Theo Sputnik, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga là một phần của Hải quân Nga có trụ sở tại Vladivostok, vùng Viễn Đông. Hạm đội sở hữu các tàu hải quân, tàu ngầm và máy bay khác nhau với nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng hải, tiến hành các cuộc tập trận chung và duy trì sự sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp.
Một biên đội tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã vượt eo biển Bab-el-Mandeb hôm 27/3 để tiến vào Biển Đỏ, hạm đội ra thông báo cho biết. Hải quân Nga không tiết lộ hoạt động của các tàu trong thời gian ở lại Biển Đỏ.
Theo thông báo, hai tàu chiến Nga tới Biển Đỏ gồm tàu tên lửa Varyag, lớp Slava và khinh hạm Marshal Shaposhnikov. Không rõ hạm đội có huy động tàu ngầm hộ tống hay không.
Soái hạm Varyag là tàu nổi mạnh nhất của Hạm đội Thái Bình Dương. Đây là mẫu tàu tuần dương tên lửa có lượng giãn nước 11.490 tấn. Tàu vừa sở hữu các bệ phóng tên lửa chống hạm uy lực, vừa có các bệ phóng tên lửa phòng không và rocket chống ngầm. Do sở hữu kho vũ khí di động nên tàu hoàn toàn có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu độc lập.
Nga còn hai tàu tên lửa lớp Slava sau khi tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen bị chìm trong cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022.
Theo Sputnik, tàu tên lửa Varyag và khinh hạm Marshal Shaposhnikovđầu tháng này đã tham gia cuộc tập trận chung với các tàu chiến của hải quân Iran và Trung Quốc. Trước khi tới Biển Đỏ, hai tàu đã tham gia diễn tập chống cướp biển và ngăn chặn các cuộc tấn công giả định bằng xuống tự sát không người lái ở Vịnh Aden và Biển Ả Rập.
Hai chiến hạm Nga xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn còn phức tạp. Hôm 23/3, quân đội Mỹ nói một tàu chở dầu Trung Quốc bị trúng tên lửa của Houthi dù lực lượng này được cho là đã đảm bảo không tấn công tàu hàng Nga và Trung Quốc. Các tàu chiến Mỹ và châu Âu gần đây liên tục được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, thường xuyên bắn hạ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa Houthi phóng ra biển.
Houthi tấn công tàu chở dầu MV Huang Pu thuộc sở hữu của Trung Quốc, khiến tàu này phải phát tín hiệu gặp nguy hiểm.
Nguồn: [Link nguồn]