Tập phòng thủ bầy đàn máy bay không người lái, Trung Quốc bắn trúng 40% mục tiêu
Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phòng thủ trước bầy đàn máy bay không người lái (UAV), bỏ lỡ 60% mục tiêu trong cuộc diễn tập gần đây, trang tin Interesting Engineering ngày 2/9 dẫn báo chí chính thống Trung Quốc.
Theo các báo cáo từ báo chí nhà nước Trung Quốc, quân đội Trung Quốc (PLA) chỉ đạt tỷ lệ bắn trúng đích là 40% khi huấn luyện bắn hạ các bầy đàn UAV. Như CCTV đã đưa tin tuần trước, kết quả này xuất hiện trong cuộc thử nghiệm mới nhất của PLA về khả năng chống lại bầy đàn UAV.
Trong cuộc thử nghiệm, PLA đã triển khai các hệ thống pháo chống UAV mới nhất của nước này để xem chúng hoạt động như thế nào trong trận chiến. Tỷ lệ trúng đích 40% cho thấy, kết quả không cao như PLA mong đợi.
Một bầy đàn máy bay không người lái. Ảnh: Air Force Technology.
“Bắn vào bầy đàn UAV vẫn là một thách thức lớn do tốc độ và kích thước nhỏ của chúng, cũng như khả năng thay đổi quỹ đạo bay, khiến các xạ thủ dễ trượt mục tiêu”, Duan Xiaolong đến từ một trung đoàn không được nêu tên thuộc PLA, giải thích với CCTV.
Theo Thiếu tá Cui Yang của trung đoàn PLA chịu trách nhiệm thử nghiệm, cuộc huấn luyện phòng không gần đây nhất của PLA được tiến hành để đánh giá khả năng phòng thủ chống UAV ở các khoảng cách khác nhau và xác định vấn đề cần khắc phục cho các cuộc diễn tập trong tương lai, CCTV đưa tin. |
Một máy bay có người lái kiểm soát một bầy đàn máy bay không người lái. Ảnh: SP’s Land Forces.
Mục tiêu khó diệt
Báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin, một chuyên gia quân sự không rõ danh tính đã đăng trên WeChat – nền tảng mạng xã hội giống như mạng xã hội X – rằng pháo được sử dụng trong cuộc tập trận có thể là các mô hình cũ từ thập niên 1990 hoặc 2000, điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ sát thương và tỷ lệ thành công.
Chuyên gia quân sự cũng cho rằng, việc sử dụng các hệ thống gây nhiễu điện tử, tên lửa đất đối không và súng trường tự động sẽ nâng cao tỷ lệ trúng đích. Bầy đàn UAV, bao gồm số lượng lớn UAV hoạt động cùng nhau, đặt ra một thách thức có một không hai đối với các hệ thống phòng thủ.
Hiện nay, Mỹ cũng thiếu các hệ thống phát hiện và phòng thủ UAV đủ khả năng theo dõi, vô hiệu hóa nhiều UAV cùng lúc. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển các UAV có thể tách thành nhiều phương tiện trên không, điều này có thể gây rối cho hệ thống phòng không.
Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 11 của Mỹ đang thử nghiệm một bầy đàn 40 máy bay không người lái vào năm 2019. Ảnh: US Army.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển UAV tiên tiến hơn, có tốc độ cao và các công nghệ UAV khác trong những năm gần đây.
Mỹ cũng đang đẩy nhanh việc cung cấp UAV cho quân đội của mình và đang phát triển các chiến lược UAV để đối phó khả năng phòng thủ ngày càng mở rộng của Trung Quốc (như chương trình “Replicator” rất được mong đợi của Mỹ).
Cần một giải pháp bắn chính xác
Các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza đã cho thấy UAV đang ngày càng được sử dụng trong chiến tranh hiện đại, với UAV trở thành một khía cạnh quan trọng của chiến tranh bất đối xứng.
Việc Ukraine sử dụng UAV nội địa trên không và trên biển để nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga đánh dấu một sự thay đổi tiềm năng trong chiến thuật chiến đấu.
Mặc dù không có chiến hạm của riêng mình, Ukraine có thể phá hoại, thậm chí đánh chìm các tàu hải quân Nga bằng cách triển khai UAV trên biển.
Bầy đàn UAV của Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images.
Mặc dù Bắc Kinh đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong khả năng đối phó UAV của mình, cuộc diễn tập gần đây cho thấy họ có thể cần phải củng cố khả năng chống UAV bằng cách tập trung vào công nghệ và chiến thuật mới.
Để đạt được mục tiêu này, SCMP báo cáo rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc đã được khuyến khích tăng cường nỗ lực sản xuất vũ khí chống UAV thông minh và hiệu quả hơn.
Điều này bao gồm việc khám phá công nghệ được phương Tây sử dụng, như gây nhiễu điện tử và tia laser. Những nỗ lực này cũng có thể bao gồm việc tăng cường tập trung vào huấn luyện và phát triển các chiến thuật chống bầy đàn UAV.
Trung Quốc chuẩn bị đối phó các cuộc xung đột sử dụng UAV. Ảnh: Aisa Times.
Kiếm Nhật (katana) là “khắc tinh” của nhiều loại vũ khí cán dài như giáo mác, kích nhưng lại bất lực trước “cây gậy phơi đồ” thời nhà Minh.
Nguồn: [Link nguồn]