Tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc nộp đơn xin phá sản ở Mỹ
Ngày 17/8, Evergrande Group, tập đoàn từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, nộp đơn xin phá sản ở New York.
Logo của Evergrande. (Ảnh: WSJ)
Tập đoàn đã vay nợ rất nhiều và không trả được nợ từ năm 2021, gây ra một cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, với tác động kéo dài đến tận bây giờ.
Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, để cho phép tòa án phá sản Mỹ can thiệp việc mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác. Phá sản theo Chương 15 dẫn đến sự phối hợp giữa tòa án Mỹ, bên nợ và tòa án của các quốc gia khác liên quan đến thủ tục phá sản xuyên biên giới.
Trong một thời gian dài, bất động sản đóng vai trò là một động lực tăng trưởng quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ vỡ nợ năm 2021 của Evergrande gây ra làn sóng chấn động toàn ngành, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính chung của đất nước.
Evergrande vỡ nợ sau khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt tình trạng các hãng bất động sản vay quá mức, nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng vọt.
Sau khi Evergrande sụp đổ, một số tên tuổi lớn khác ở Trung Quốc, bao gồm Kasia, Fantasia và Shimao Group, cũng đã vỡ nợ. Gần đây nhất, một gã khổng lồ bất động sản khác của Trung Quốc là Country Garden không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu, làm dấy lên lo ngại tên tuổi này cũng có thể sụp đổ.
Các vấn đề của ngành bất động sản Trung Quốc càng trở nên trầm trọng vì sự suy thoái kinh tế chung trong nước.
Theo thông tin trên website, Evergrande là một công ty lớn với hơn 1.300 dự án bất động sản trải khắp 280 thành phố. Công ty cũng có một số hoạt động kinh doanh phi bất động sản, bao gồm kinh doanh xe điện, chăm sóc sức khỏe và công viên giải trí.
Evergrande chật vật để trả hết các khoản vay của mình sau khi chính thức vỡ nợ vào cuối năm 2021. Nợ của công ty bất động sản này đã lên tới 2,437 nghìn tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái, tương đương 2% GDP của Trung Quốc.
"Lời nguyền Thành Long" lưu truyền từ cách đây hơn chục năm khi hàng loạt công ty thuê diễn viên võ thuật này làm đại diện, đều gặp sóng gió.
Nguồn: [Link nguồn]