Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhậm chức vào thời điểm “bước ngoặt”

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Khi ông Mark Rutte tiếp quản vị trí của ông Jens Stoltenberg, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải vượt qua “cái bóng” rất lớn của người tiền nhiệm.

Sau hơn 10 năm điều hành nền kinh tế lớn thứ 5 Eurozone, ông Mark Rutte sẽ bắt đầu làm việc trên cương vị Tổng thư ký NATO từ ngày 1/10.

Vị chính trị gia kỳ cựu sẽ cần tất cả các kỹ năng ngoại giao và kinh nghiệm trên chính trường của mình để quản lý liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương trong thời điểm đầy thử thách.

Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Mark Rutte đã tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Hà Lan và "rời bỏ chính trường" sau khi chính phủ liên minh của ông sụp đổ vì những khác biệt trong chính sách di cư.

Tuy nhiên, đến tháng 10 năm đó, có vẻ ông đã tìm được hướng đi mới khi thể hiện quan tâm đến việc kế nhiệm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. 

Trước đó, ông Stoltenberg đã tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí này vào cuối tháng 9 năm nay, sau tròn một thập kỷ lãnh đạo liên minh.

Khi ông Rutte tiếp quản vị trí của ông Stoltenberg, tân Tổng thư ký NATO sẽ phải vượt qua "cái bóng" rất lớn của người tiền nhiệm.

Trong suốt 10 năm lãnh đạo liên minh, ông Stoltenberg đã điều hướng những thay đổi lớn về địa chính trị để truyền cho NATO mục đích và định hướng mới. 

Nhưng cách NATO điều hướng những thách thức của thập kỷ tới – dưới sự lèo lái của tân lãnh đạo, sẽ quyết định tương lai lâu dài của liên minh này.

Tập hợp sự ủng hộ

Sau nhiều tháng vận động cho vị trí mong muốn, ông Rutte đã giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo NATO, hầu hết trong số họ ông đã quen biết trong hơn 13 năm làm Thủ tướng Hà Lan và từ sự phối hợp trong nhiều tổ chức quốc tế khác nhau.

Vị chính trị gia 57 tuổi là ứng cử viên được Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu ưa chuộng cho vị trí lãnh đạo dân sự cao cấp nhất của liên minh quân sự NATO.

Ở phía Liên minh châu Âu (EU), một nhà ngoại giao nói với Đài DW của Đức rằng ông Rutte được coi là "Mr. No" (quý ông thường nói "Không") vì ông đã từ chối nhiều kế hoạch và ý tưởng cải cách đầy tham vọng do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra. Tuy nhiên, ông Rutte lại rất hợp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Khi còn trên cương vị Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CGTN

Khi còn trên cương vị Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte đã xây dựng mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: CGTN

Ông cũng có mối quan hệ tốt với bà Giorgia Meloni, Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu của Italy. Ông Rutte và bà Meloni đã cùng nhau đề xuất xử lý các đơn xin tị nạn bên ngoài EU tại các quốc gia bên thứ ba.

Nhưng vị chính trị gia người Hà Lan đã mất nhiều thời gian hơn mới giành được sự ủng hộ của ông Viktor Orban, Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu của Hungary.

Khả năng vượt qua nghịch cảnh chính trị của ông Rutte có thể hữu ích nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và một lần nữa chĩa mũi nhọn chỉ trích về phía NATO.

Mặc dù ông Rutte và ông Trump đã phát triển mối quan hệ tích cực đáng ngạc nhiên trước đây, nhưng khác với ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, tân Tổng thư ký NATO là người ủng hộ Ukraine nhiệt tình.

Đáng chú ý, dưới sự lãnh đạo của ông, viện trợ quân sự của Amsterdam đã chảy mạnh đến Ukraine, bao gồm lựu pháo và máy bay F-16 của Hà Lan.

Tuy nhiên, bản thân quân đội Hà Lan đã bị thiếu kinh phí trong suốt những năm ông Rutte nắm quyền. Năm nay sẽ là lần đầu tiên Hà Lan chi 2% GDP cho quốc phòng, phù hợp với mục tiêu chi tiêu của NATO.

Thách thức không tránh khỏi

Ông Rutte có kinh nghiệm quản lý các liên minh cầm quyền ở Hà Lan bao gồm vài chính đảng, nhưng hiện ông sẽ bắt đầu quản lý một liên minh gồm tới 32 quốc gia. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được sự đồng thuận cần thiết cho mọi quyết định của NATO.

Cựu phát ngôn viên NATO Oana Lungescu, người phục vụ lâu nhất trên cương vị này tại liên minh quân sự, tin rằng đây sẽ là thách thức lớn nhất của ông Rutte. "Tổng thư ký NATO không chỉ là một thư ký mà còn phải là một vị tướng, tất nhiên là về mặt chính trị", bà Lungescu nói với DW.

"Ông ấy phải thể hiện được sự lãnh đạo chính trị cần thiết để thúc đẩy liên minh, vì việc đạt được sự đồng thuận có thể mất thời gian. Có thể lộn xộn, có thể gây nản lòng nhưng điều quan trọng là phải thể hiện được định hướng chính trị và thể hiện được sự tiến bộ", bà Lungescu nói, tin tưởng rằng kinh nghiệm lâu năm của ông Rutte trong việc duy trì các chính phủ liên minh Hà Lan sẽ giúp ích cho ông trong tương lai.

Cũng sẽ có những thách thức không tránh khỏi đối với bất kỳ ai tiếp quản vị trí Tổng thư ký NATO vào thời điểm xung đột đang diễn ra ở châu Âu.

Tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London cho rằng ông Rutte sẽ có 3 ưu tiên cần thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, ưu tiên thứ nhất là duy trì sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong khi tăng cường sự hỗ trợ của EU nói riêng và châu Âu nói chung cho Kiev.

Ưu tiên thứ hai là giữ cho sự tham gia của Mỹ ở châu Âu được mạnh mẽ như dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sẽ dẫn đến việc hoặc bà Harris hoặc ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Ưu tiên thứ ba, đồng thời cũng là thách thức chính sách lớn nhất đối với ông Rutte, là triển khai một mô hình lực lượng mới, theo đó đảm bảo các thành viên NATO ở châu Âu có thể bảo vệ châu Âu một cách hiệu quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào Belarus sẽ kích hoạt phản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Đức (DW, Chatham House, Atlantic Council) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN