Tân Tổng thống Trump và loạt thách thức đối ngoại trước mắt
Nước Mỹ chào đón sự trở lại của Tổng thống Donald Trump và nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu trong bối cảnh toàn cầu rất khác so với nhiệm kỳ đầu tiên với rất nhiều thách thức đối ngoại chờ ông giải quyết.
Nước Mỹ vừa rộn ràng chào đón sự trở lại của Tổng thống Donald Trump với lễ nhậm chức trang trọng ngày 20-1 (giờ địa phương).
Một trong những điều Tổng thống Trump tự hào nhất là trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là không có “cuộc chiến mới” nào bùng phát. Tuy nhiên, quay lại Nhà Trắng lần này, ông Trump phải đối mặt hai cuộc xung đột lớn, bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề và xung đột không vũ trang khác.
Không khó để nhận diện những thách thức đối ngoại lớn mà Tổng thống Trump phải đối mặt ngay khi trở lại Nhà Trắng, theo tạp chí Foreign Policy.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Kết thúc cuộc chiến ở Ukraine?
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump về chính sách đối ngoại sẽ là giải quyết xung đột Nga-Ukraine khi cuộc chiến này sắp bước sang năm thứ ba.
Ông Trump từng cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến trước khi ông nhậm chức vào ngày 20-1. Tuy nhiên, nhiều diễn biến mới trên chiến trường, bao gồm đà tiến của Nga và việc chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, khiến lời hứa của ông Trump trở nên khó thực hiện.
Binh sĩ Ukraine tham chiến gần TP Kupiansk, tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: AFP
Ông Trump đã cảnh báo hoặc sẽ tăng cường viện trợ hoặc ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine tùy vào việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối tham gia đàm phán.
Theo giới quan sát, so với Tổng thống Biden, Tổng thống Trump dường như dễ tiếp nhận các điều kiện đàm phán hòa bình do Nga đề xuất hơn. Cụ thể, ông Trump được cho là đã đề xuất Ukraine nhượng một số lãnh thổ và gợi ý rằng Kiev nên rút lại đề nghị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chấm dứt chiến tranh.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một đồng minh quan trọng của Nga - bị lật đổ hồi tháng trước có thể sẽ khiến Moscow đẩy mạnh hoạt động ở Ukraine.
Hiện tại, lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến quân trên chiến trường Ukraine và đối đầu với cuộc phản công của Ukraine tại tỉnh Kursk (Nga). Moscow cũng tăng cường pháo kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt.
Nhiều quốc gia châu Âu đã cố gắng bảo vệ chính sách viện trợ Ukraine sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ. Giờ đây, khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, những quốc gia này đang vội vã tìm cách làm hài lòng chính quyền sắp tới.
Một Trung Đông đầy biến động
Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh Trung Đông trải qua một trong những giai đoạn biến động nhất lịch sử. Ông đã hứa sẽ mang lại hòa bình cho khu vực này, nhưng nhiệm vụ này được dự đoán là rất khó khăn.
Người Palestine vận chuyển đồ đạc giữa đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza. Ảnh: AFP
Trung Đông vốn đã bất ổn từ lâu, nay lại bị cuốn vào cuộc chiến Israel-Hamas. Mặc dù Israel và Hamas đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn, nhiều người vẫn lo ngại về tính bền vững của nó, đặc biệt là khi giai đoạn 2 và 3 vẫn chưa được hai bên đưa ra lộ trình chi tiết. Và nếu không có một thỏa thuận ngừng bắn ổn định tại Gaza, Tổng thống Trump có thể gặp khó khăn trong việc đạt được một số mục tiêu tiềm năng, chẳng hạn bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia hoặc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Cuộc chiến tại Gaza cũng làm gia tăng căng thẳng khắp Trung Đông, bao gồm việc phát sinh một cuộc xung đột tại Lebanon giữa Israel và Hezbollah, hai bên tiếp tục đấu súng dù đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào cuối tháng 11-2024. Ngoài ra, Israel đang đối mặt với cuộc đụng độ leo thang với Iran sau khi cả hai bên tấn công vào lãnh thổ của nhau hồi năm ngoái.
Israel được cho là đã đã gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống phòng không và chương trình tên lửa của Iran, đồng thời làm suy yếu Hezbollah. Điểm tích cực hiếm hoi là cả Iran lẫn Hezbollah đều không có vẻ gì muốn leo thang xung đột.
Iran cũng mất đi một đồng minh lớn trong khu vực là ông al-Assad ở Syria. Sự sụp đổ của ông al-Assad vừa là một thách thức vừa là một cơ hội tiềm năng cho Tổng thống Trump. Ông Trump sắp tới sẽ phải quyết định đường hướng quan hệ với tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - bên đang nắm quyền ở Syria và từng bị Mỹ coi là khủng bố.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng sẽ phải đối mặt với thách thức làm thế nào để xử lý cuộc cạnh tranh giữa hai đồng minh là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Sau sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad, Israel đã mở chiến dịch không kích lớn nhằm phá hủy các tài sản quân sự ở Syria, đồng thời điều quân vào khu vực đệm bên trong Syria gần Cao nguyên Golan. Những hành động này, trong lúc Syria đang rất yếu thế, đã làm dấy lên sự lo ngại và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là một nguồn gây đau đầu cho Tổng thống Trump. Nếu Ankara quyết định mở chiến dịch quân sự vào lãnh thổ do người Kurd - lực lượng do Mỹ hậu thuẫn - kiểm soát ở Syria, điều này có thể khiến ông Trump rơi vào tình thế khó xử. Theo giới quan sát, thời gian sẽ trả lời câu hỏi liệu tổng thống Mỹ sẽ ngồi im để Thổ Nhĩ Kỳ hành động hay sẽ cảm thấy bị buộc phải can thiệp trực tiếp.
Căng thẳng với Trung Quốc
Nếu Tổng thống Trump thực sự áp thuế quan lên Trung Quốc như ông đã tuyên bố hoặc hủy bỏ trạng thái “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với Bắc Kinh, một cuộc chiến thương mại thứ hai có khả năng sẽ nổ ra.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2017. Ảnh: GETTY IMAGES
Tháng trước, để đáp trả nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm cắt đứt sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản quan trọng sang Mỹ. Và điều này có thể chỉ mới là sự khởi đầu.
Bên cạnh căng thẳng thương mại, nguy cơ đối đầu quân sự cũng đang rình rập, bao gồm ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông. Bắc Kinh gần đây đã tổ chức những cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều thập niên xung quanh Đài Loan. Tại Biển Đông, hầu như mỗi tuần lại có thông tin về một cuộc đối đầu mới giữa Trung Quốc và Philippines - một đồng minh của Mỹ.
Tóm lại, với tình hình thế giới bấp bênh hiện nay, rất có thể ở nhiệm kỳ thứ hai này Tổng thống Trump sẽ phải bận rộn hơn nhiều để xử lý rất nhiều thách thức đối ngoại phức tạp, so với nhiệm kỳ đầu.
Chờ đợi “thiên nga đen”? Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh thế giới đang trải qua sự bất ổn sâu sắc và trật tự toàn cầu thay đổi không ngừng. Các nhà phân tích thường dùng thuật ngữ “thiên nga đen” để mô tả những sự kiện hiếm gặp, khó lường trước và có tác động lớn. Tuy nhiên, với đại dịch COVID-19, sự kiểm soát của Taliban ở Afghanistan, xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến giữa Israel-Hamas, và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, có thể thấy rằng các sự kiện mang tính lịch sử dường như đang xảy ra liên tục trong vài năm qua. Cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng đối lập kết thúc 5 thập niên cầm quyền của gia đình ông al-Assad được dự đoán sẽ kích hoạt chuỗi biến động và đẩy nhanh sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Thêm vào đó là một Iran đang chao đảo, Nga kiên quyết với mục tiêu, chính trị bất ổn ở châu Âu và cạnh tranh leo thang với Trung Quốc, tất cả tạo nên một tương lai đầy sóng gió. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu khiến hơn 1 triệu người Mỹ thiệt mạng và làm đảo lộn nền kinh tế và xã hội thế giới. Tuy nhiên, ông chưa từng phải xử lý một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia hay quân sự thực sự. Điều này khiến đội ngũ của ông, cũng như chính bản thân ông, vẫn chưa được kiểm nghiệm trong lĩnh vực này. |
Các nhà lãnh đạo thế giới chúc mừng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, kỳ vọng sự hợp tác với Mỹ trong thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
-21/01/2025 05:30 AM (GMT+7)