Tân tổng thống Mỹ và tương lai quan hệ Mỹ-Trung
Dù ai nắm giữ Nhà Trắng trong bốn năm tới, những căng thẳng còn tồn đọng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung sẽ khó xuống thang.
Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn tính từng giờ. Hai ứng viên đang so kè nhau sát nút.
Nhiều chuyên gia cho rằng dù ai là người giữ chiếc ghế tổng thống Mỹ trong bốn năm tới, những căng thẳng còn tồn đọng trong quan hệ với Trung Quốc sẽ khó xuống thang. Thậm chí, người kế nhiệm sẽ khó thoát khỏi cái bóng chính sách mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm đối với Trung Quốc trong bốn năm qua.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ đang so kè nhau sát nút. Ảnh: GETTY IMAGES
“Di sản Trung Quốc” khó lay chuyển của Tổng thống Trump
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Trump đã đối đầu với Trung Quốc trên nhiều phương diện, từ thương mại, công nghệ, đại dịch COVID-19 đến vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Triều Tiên...
Một cuộc chia tách tài chính và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang được tiến hành. Đơn cử là việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và TikTok.
Bên cạnh đó, Washington còn áp đặt một loạt lệnh trừng phạt lên những tổ chức và cá nhân Trung Quốc liên quan tới Tân Cương, Hong Kong hay Biển Đông. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều quy định nhằm kiểm soát và hạn chế các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc.
“Dù Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay tổng thống mới là ông Joe Biden thì quan hệ Mỹ-Trung cũng sẽ khó quay trở lại tình trạng như trước năm 2016” - Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trưởng Bộ môn Chính trị Quốc tế thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, nhận định trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Pháp Luật TP.HCM.
“Quan hệ Trung-Mỹ đã vượt qua ngưỡng quay đầu và lúc này nó không còn phụ thuộc vào cá nhân lãnh đạo nữa. Quan điểm chính trị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều khá giống nhau về một giải pháp cứng rắn và mạnh mẽ với Trung Quốc. Do đó người lãnh đạo hành pháp của nước Mỹ sắp tới nếu muốn được sự hậu thuẫn của hai đảng ở cơ quan lập pháp trong một số chính sách đối nội thì cần phải mạnh mẽ với Trung Quốc ở chính sách đối ngoại” - TS Trung giải thích.
Cùng quan điểm này, cựu Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, phụ trách khu vực châu Á - bà Wendy Cutler mới đây chia sẻ với báo The Guardian: “Dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trên nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, địa chiến lược, nhân quyền hay giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các năm tới”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 6 năm 2019. Ảnh: REUTERS
Phân tích thêm về sự khác nhau chính sách đối phó Trung Quốc của ông Trump và ông Biden, TS Trung nhận định: “Mặc dù giống nhau về quan điểm nhưng hai ông Trump và Biden có khác nhau về cách tiếp cận vấn đề”.
“Ông Trump sẽ tiếp tục chính sách trực diện, tạo căng thẳng khó đoán trước với Trung Quốc, cũng như gây ấn tượng mạnh bằng những ngôn ngữ mang tính mạnh bạo, đôi lúc thiếu tính ngoại giao khi chỉ trích Trung Quốc. Trong khi đó, ông Biden sẽ có cách tiếp cận mang tính ngoại giao, ít dấu ấn cá nhân hơn ông Trump nhưng huy động cả hệ thống chính quyền cũng như các quốc gia đồng minh cùng tham gia" - TS Trung cho biết thêm.
Liệu có thể xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Mỹ và Trung Quốc có nhiều giá trị hoàn toàn trái ngược nhau, tuy nhiên lại đang giao nhau ở chiếc ghế của người dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực. Vậy liệu Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ rơi vào con đường dẫn đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mà Mỹ và Liên Xô đã lâm vào nửa cuối thế kỷ trước hay không?
Trả lời vấn đề này, TS Trung cho biết đây không phải là điều không thể xảy ra, tuy nhiên khả năng sẽ thấp.
“Thế giới đã tiến tới một trạng thái mà các quốc gia quá lệ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất, cũng như hội nhập sâu về thương mại, đầu tư, lao động, khoa học công nghệ,... Do đó, bất kỳ một sự nứt gãy trong các mắt xích quan trọng cũng để lại hậu quả to lớn, không chỉ cho cả Mỹ-Trung mà cho toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này đều không muốn một căng thẳng chia phe thế giới rõ rệt, và hầu như không còn quan hệ như Liên Xô và Mỹ trước đây” - TS Trung nhận định.
Ông Joe Biden (trái) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
“Cốt lõi của sự căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay thiên về câu chuyện trật tự thế giới hiện thời sẽ bị thay đổi hay không chứ không phải vì sự chia cắt về ý thức hệ? Mỹ muốn duy trì trật tự thế giới hiện thời vốn giúp cho nhiều quốc gia phồn vinh kể từ sau thế chiến thứ hai đến nay. Trong khi đó, Trung Quốc mong muốn từng bước thay đổi trật tự thế giới, và thiết lập một thế giới mới do họ làm bá chủ, mặc dù cho đến bây giờ họ không chính thức tuyên bố như vậy. Do đó về mặt bản chất cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chia thế giới thành hai phe như trong thời Chiến tranh Lạnh (1947-1991) mà họ chỉ muốn bên kia phải chấp nhận trật tự thế giới do mình tạo ra” - TS Trung giải thích thêm.
Trước mắt đang là đầy rẫy những thách thức lớn từ trong nước đến quốc tế đối với Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]