Tàn dư tên lửa TQ to như tòa nhà 10 tầng sắp rơi xuống Trái đất và căng thẳng Mỹ - Trung
Tàn dư tên lửa Trung Quốc, dự kiến rơi xuống Trái Đất trong 1-2 ngày tới, đánh dấu một "đấu trường" mới giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả 2 cường quốc này đều tăng cường sự hiện diện ngoài vũ trụ.
Tên lửa Trung Quốc Long March 5B. Ảnh: Getty
Tờ SCMP hôm 8/5 đưa tin, quân đội Mỹ cho biết đang theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của tàn dư tên lửa Trung Quốc Long March 5B - có kích thước tương đương tòa nhà 10 tầng - và xem nó như một mối đe dọa.
Hầu hết mảnh vỡ dự kiến sẽ bị đốt cháy khi bay vào bầu khí quyển của Trái Đất. Một số phần có thể còn sót lại và gây ra thảm kịch nếu rơi vào khu vực dân cư đông đúc, dù cơ hội để điều đó xảy ra còn khó hơn cả việc trúng xổ số.
Trước đó chưa đầy một tháng, một sự kiện đổ bộ không gian thu hút sự chú ý của Cục quản lý Vũ trụ quốc gia Trung Quốc. Cánh tay robot của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã vứt khối rác vũ trụ nặng 3 tấn. Khối rác khổng lồ dự kiến quay quanh Trái đất trong khoảng 4 năm trước khi quay trở lại bầu khí quyển.
Trang web chính thức của China Space News đã xuất bản một bài cảnh báo về những rủi ro của việc vứt rác thải ngoài không gian. "Chúng ta hãy cầu nguyện là nó sẽ không quay trở lại và đâm sầm vào ISS", nội dung trên trang web ghi rõ.
Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ xảy ra mâu thuẫn thường xuyên hơn về các vấn đề rác thải vũ trụ khi quỹ đạo của Trái đất ngày càng chật chội hơn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5, một nửa trong số 20.000 mảnh vỡ ngoài vũ trụ mà Trung Quốc đang theo dõi đã xuất hiện từ thập kỷ trước hoặc lâu hơn.
Một phần tên lửa Long March 5B ở một nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Feng Hao và các đồng nghiệp tại Viện kỹ thuật hệ thống tàu vũ trụ Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết, tốc độ phát triển nhanh chóng của các mảnh vỡ trong quỹ đạo Trái đất là đáng báo động vì chúng có thể va chạm với nhau. Tổng số lượng mảnh vỡ ngoài vũ trụ dự kiến tăng theo cấp số nhân.
"Hệ quả cuối cùng là dù con người có không thực hiện bất kỳ hoạt động nào ngoài vũ trụ, số lượng mảnh vỡ vẫn tiếp tục tăng và cánh cửa vào vũ trụ của nhân loại có thể bị chặn hoàn toàn", ông Feng nói.
Theo SCMP, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong vũ trụ sẽ khiến vấn đề thêm tồi tệ. Cả 2 cường quốc đều có kế hoạch riêng đầy tham vọng, nhằm mở rộng ồ ạt các chương trình vũ trụ trong vài năm tới. Hàng chục nghìn vệ tinh sẽ được phóng vào không gian, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên quỹ đạo từ Trái đất tới Mặt trăng.
Theo dự tính của Feng, quỹ đạo của Trái đất sẽ quá đông đúc vào năm 2030 nên việc tăng thêm số lượng vệ tinh có thể gây ra các vụ va chạm dây chuyền thảm khốc.
Các mảnh vỡ ngoài vũ trụ "có thể trở thành một vấn đề chính trị quan trọng như biến đổi khí hậu", một nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc giấu tên, nhận định.
Khi khoảng trống ở một số quỹ đạo ngày càng bị thu hẹp, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc - 2 quốc gia tích cực nhất trong khám phá vũ trụ - "chắc chắn sẽ gia tăng", chuyên gia giấu tên dự đoán. "Điều này sẽ tác động sâu sắc đến địa chính trị, liên quan tới mọi quốc gia trên Trái đất".
Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang cản trở sự hợp tác quốc tế nhằm xử lý rác thải vũ trụ. Chia sẻ thông tin về việc theo dõi mảnh vỡ vũ trụ là chưa đủ. "Nói đơn giản thì tình trạng này giống như việc 2 tài xế giằng nhau tay lái trong khi chiếc ô tô đang lao thẳng vào tường", chuyên gia giấu tên nói.
Vụ việc một phần tên lửa đẩy Trung Quốc to như tòa nhà 10 tầng sắp rơi xuống Trái đất đang thu hút sự chú ý lớn....
Nguồn: [Link nguồn]