Tấn công lãnh thổ Nga, Ukraine đẩy Mỹ vào thế khó?
Giới chức tại Washington cho biết, Mỹ đang coi cuộc tấn công vào vùng Kursk (Nga) của lực lượng Ukraine là một “biến số lớn” trong chính sách viện trợ Kiev.
Xe bọc thép của Ukraine tham gia hành động tấn công vùng Kursk (ảnh: Reuters)
Hôm 15/8, Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine – ông Oleksandr Syrskyi – tuyên bố, lực lượng nước này đã tiến sâu 35km ở một số khu vực và kiểm soát 1.150km2 lãnh thổ Nga.
Kiev thậm chí còn thành lập một chính quyền quân sự ở vùng Kursk – một hành động mà Moscow chắc chắn không bỏ qua.
Nhưng trong khi Ukraine đẩy mạnh nỗ lực lấn sâu vào lãnh thổ Nga, Mỹ vẫn chưa biết rõ Kiev muốn làm gì, theo Reuters.
“Mọi thứ ngày càng phức tạp khi họ tiến sâu vào lãnh thổ Nga mà không đặt ra giới hạn cuối cùng”, một quan chức Mỹ (giấu tên) nói với Reuters.
Quan chức này cũng bày tỏ lo ngại rằng, Ukraine có thể “đi quá giới hạn” của Mỹ, nếu nước này sử dụng các vũ khí được viện trợ để kiểm soát lãnh thổ Nga.
Một quan chức khác của Mỹ (giấu tên) cho hay, chính sách của Mỹ là viện trợ vũ khí để Ukraine phòng thủ chứ không phải để tấn công và kiểm soát đất Nga.
Kể từ cuối tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine số vũ khí, thiết bị quân sự lên tới hơn 50 tỷ USD. Nhằm tránh xung đột lan rộng, Mỹ ban đầu cấm Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Hồi tháng 5, chính quyền của ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công hạn chế vào một số khu vực ở Nga, nằm giáp biên giới tỉnh Kharkiv.
Nhưng phải ủng hộ hay phản đối nếu Ukraine bị phát hiện dùng vũ khí Mỹ trong chiến sự ở vùng Kursk? Đây là “bài toán khó” với Washington, theo Reuters.
Binh sĩ Ukraine pháo kích ở vùng biên giới (ảnh: Reuters)
Hôm 16/8, trợ lý Điện Kremlin – ông Nikolai Patrushev – cáo buộc NATO và phương Tây “trực tiếp tham gia lập kế hoạch” giúp Ukraine tấn công vùng Kursk của Nga.
“NATO gửi vũ khí và huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, cung cấp cho họ dữ liệu tình báo, đồng thời kiểm soát hành động của các nhóm tân phát xít ở Ukraine. Chiến dịch ở Kursk đã được lên kế hoạch với sự tham gia của NATO và các cơ quan đặc nhiệm phương Tây”, ông Patrushev nói.
Trước đó, phát biểu hôm 15/8, ông John Kirby – người phát ngôn Hội đồng an ninh Nhà Trắng – cho biết:
“Chúng tôi đã bày tỏ rất rõ ràng và nhất quán rằng, chúng tôi muốn Ukraine tập trung vào hành động tự vệ trước cuộc tấn công ngay bên trong lãnh thổ của họ”.
“Chúng tôi không khuyến khích và không cho phép Ukraine tấn công ra bên ngoài lãnh thổ, ngoại trừ trường hợp cấp bách mà chúng tôi tin rằng họ đang phải đối mặt với mối đe dọa sắp xảy ra từ phía bên kia biên giới", ông Kirby nói thêm.
Cuộc tấn công vào vùng Kursk (hôm 6/8) của Ukraine thực sự khiến Mỹ bất ngờ, một quan chức Mỹ nói với Reuters.
“Không có gì lạ khi họ hành động mà không báo cho chúng tôi biết”, quan chức Mỹ nói.
“Một trong các mục tiêu của Kiev trong lần hành động này, dường như là buộc Nga phải rút một phần quân đội khỏi Ukraine”, quan chức Mỹ nói, lưu ý rằng một số đơn vị Nga ở Kharkiv có thể đã rút lui về Kursk.
“Chúng tôi vẫn cần bức tranh rõ ràng hơn trong vài tuần tới. Ông Biden đã không nói chuyện với Tổng thống Ukraine kể từ lần họ gặp nhau hồi tháng 6 tại Pháp và Italia”, vị quan chức Mỹ cho hay.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, hôm 16/8 cho hay, Ukraine “không quan tâm đến lãnh thổ Nga” mà chỉ đang “hành động tự vệ theo khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Trong một bài viết trên mạng xã hội X, ông Podolyak cho hay, cuộc tấn công vùng Kursk là “biện pháp quân sự” của Ukraine nhằm buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán một cách “công bằng”.
Ông Podolyak cũng cho rằng tình hình ở vùng Kursk sẽ có tác động đến dư luận trong nước Nga, buộc Moscow sớm kết thúc chiến dịch quân sự.
Hôm 16/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, kể từ ngày 6/8, Ukraine đã tổn thất 2.860 quân, 41 xe tăng và 40 xe bọc thép trong nỗ lực tấn công vùng Krusk.
Nguồn: [Link nguồn]
Binh sĩ Nga đương đầu với UAV mang chất nổ của Ukraine bằng hành động đặc biệt.