Tâm thế sẵn sàng của lính Mỹ tham gia tập trận gần biên giới Nga
Cuộc tập trận hai năm một lần của NATO ở vòng Cực Bắc thường diễn ra theo một kịch bản chung: Na Uy bị tấn công bởi “kẻ thù”, buộc liên minh quân sự phải kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể.
Nhưng năm nay, cuộc tập trận Cold Response của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang một ý nghĩa khác với 3.000 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sean Galigan, một lính thuỷ đánh bộ 21 tuổi đến từ New Jersey (Mỹ) có nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho máy bay cho biết: “Tôi luôn nghĩ đến chiến dịch của Nga”, dù cuộc tập trận của NATO đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước khi Nga bắt đầu tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine.
“Giờ đây chúng tôi đã ở đây, nếu có điều gì đó xảy ra, chúng tôi sẽ sẵn sàng lên đường”, Galigan nói.
“Mọi thứ đang trở nên thật hơn bao giờ hết”, một phi công thuỷ quân lục chiến lái máy bay C-130 cho biết khi đang bay từ Bardufoss đến gần Evenes ở Na Uy.
Xe tăng của Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia tập trận.
Các binh sĩ Thuỵ Điển tập trung ở Evenes (Na Uy). Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Mối quan hệ giữa Na Uy và Nga, có chung biên giới giáp Bắc Cực, đã dần được cải thiện trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh trước khi nguội lạnh một lần nữa vào năm 2014 vì Mátxcơva sáp nhập Crimea. Sau đó, các cuộc tập trận quân sự diễn ra thường xuyên hơn.
Biên giới Nga - Na Uy. Bản đồ: BBC
Trước khi thông báo khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã nhiều lần cáo buộc NATO gây bất ổn cho an ninh châu Âu bằng các cuộc tập trận quy mô lớn và bằng việc tập trung lực lượng ở sườn phía Đông.
Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ trong cuộc tập trận. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
“Kẻ thù” trong cuộc tập trận Cold Respone là hư cấu. Để đối phó, thuỷ quân lục chiến Mỹ sẽ diễn tập đổ bộ vào Na Uy, trong khi không phận Na Uy sẽ xảy ra tranh chấp. Liên quân sẽ nỗ lực thực hiện công tác hậu cần, đưa quân đến Na Uy và tiếp tế cho nước này.
Cuộc tập trận trước đó đã bị huỷ bỏ vì dịch COVID-19. Lần cuối cùng NATO tổ chức tập trận kiểu này là vào năm 2018, với tên gọi Trident Juncture. Khi ấy, cuộc tập trận kéo dài suốt tuần đầu tiên của tháng 4, quy tụ khoảng 30.000 binh sĩ đến từ 27 quốc gia. Năm nay, cuộc tập trận cũng có sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ, 200 máy bay và 50 tàu chiến.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington và Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa cân nhắc đến việc đến thăm Ukraine trong khoảng thời gian hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]