Taliban không còn là Taliban?

Khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, hàng nghìn người Afghanistan muốn rời đi vì lo ngại Taliban sẽ lặp lại sự cai trị hà khắc như 20 năm trước. Các chuyên gia và chính trị gia Afghanistan đã lên tiếng về việc này.

Theo một nhà phân tích chính trị Afghanistan, Taliban đã có sự thay đổi "mạnh mẽ" so với 2 thập kỷ trước. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo một nhà phân tích chính trị Afghanistan, Taliban đã có sự thay đổi "mạnh mẽ" so với 2 thập kỷ trước. Ảnh minh họa: Shutterstock

Taliban khác trước ra sao?

Theo ABC News, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị người Afghanistan, Irfan Yar, cho rằng, Taliban đã thay đổi "mạnh mẽ" so với 2 thập kỷ trước đây, nhờ quá trình toàn cầu hóa và kinh nghiệm mà tổ chức này thu được. 

"Ở lần đầu nắm quyền (1996-2001), họ chỉ là những sinh viên của các trường tôn giáo, chưa biết nhiều thứ. Tuy nhiên, sau ít nhất 20 năm, họ đã tham gia vào chính trị", ông Irfan nói và cho biết thêm rằng, dần dần Taliban đã học được cách đàm phán và hợp tác với các đồng minh quốc tế, không còn hoàn toàn là Taliban của giai đoạn cầm quyền trước đây.

"Taliban có thể vẫn còn rất bảo thủ, nhưng họ đã nhận ra rằng, nếu áp đặt một chế độ cai trị bảo thủ, hà khắc như trước thì không một ai chấp nhận và ủng hộ điều đó, nhất là cộng đồng quốc tế", nhà phân tích chính trị Afghanistan nói thêm.

Taliban tuyên bố, tổ chức này hiện đã ôn hoà hơn so với thời kỳ trước đây (1996-2001). Theo Tiền Phong, một trong những lý do để Taliban đưa ra tuyên bố này là sự thay đổi về vị trí lãnh đạo cao nhất. Nhân vật được xem là quyền lực nhất hiện tại của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar - người được cho là có học thức và thái độ ôn hòa hơn thủ lĩnh trước đó.

Vào tháng 9/2020, thủ lĩnh Taliban Baradar (phải) từng gặp Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo.

Vào tháng 9/2020, thủ lĩnh Taliban Baradar (phải) từng gặp Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo.

Baradar, khoảng hơn 50 tuổi, sinh ra ở miền nam Afghanistan, là một trong số những người sáng lập ra Taliban. Baradar sát cánh cùng Mullah Mohammad Omar - thủ lĩnh cao nhất của Taliban - để giúp tổ chức này giành quyền kiểm soát Afghanistan năm 1996 và được bổ nhiệm làm phó thủ lĩnh Taliban.

Trong thời kỳ Taliban nắm quyền ở Afghanistan (1996-2001) - giai đoạn được xem là hà khắc, Baradar dành phần lớn thời gian ở Kandahar (tỉnh miền nam Afghanistan) thay vì Kabul và không nắm vai trò chính thức nào.

Năm 2010, Baradar bị bắt tại thành phố Karachi, miền nam Pakistan, trong một chiến dịch phối hợp của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và lực lượng chống khủng bố Pakistan. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai thời điểm đó xác nhận Baradar đã cố gắng hoà giải giữa đôi bên và ông Karzai từng 2 lần đề nghị Mỹ và Pakistan trả tự do cho Baradar nhưng không thành.

Khi Taliban giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn của Afghanistan năm 2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tìm cách đưa Washington thoát khỏi "vũng lầy chiến tranh" ở Afghanistan nên thuyết phục Pakistan thả Baradar trong năm đó và bắt đầu xúc tiến đàm phán hòa bình với Taliban.

Trong khi Haibatullah Akhundzada là thủ lĩnh tối cao của Taliban, Baradar mới là người dẫn đầu phái đoàn và là người đàm phán tích cực nhất với Mỹ ở Qatar, góp công lớn vào thoả thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 2/2020.

Tháng 7/2021, Baradar cũng là người dẫn đầu phái đoàn Taliban sang gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở thành phố Thiên Tân.

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, Baradar đã sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo mới trong chính phủ Taliban thành lập ở Afghanistan.

Quá hà khắc, nhưng cũng có mặt tích cực

Farzana Kochai, nữ nghị sĩ quốc hội Afghanistan. Ảnh: ABC News

Farzana Kochai, nữ nghị sĩ quốc hội Afghanistan. Ảnh: ABC News

Farzana Kochai, một trong số ít các thành viên nữ của quốc hội Afghanistan chia sẻ với ABC từ Kabul hôm 16/8: "Tôi dự tính Taliban sẽ tới Kabul thông qua một thỏa thuận hòa bình nhưng không ngờ nó diễn ra nhanh đến vậy".

Nữ nghị sĩ 29 tuổi nói với tâm thế điềm tĩnh, nhưng ở những nơi khác, khung cảnh hỗn loạn diễn ra khi hàng nghìn người đổ về sân bay Kabul hoặc cửa khẩu biên giới. Họ lo sợ Taliban có thể lặp lại sự cai trị hà khắc như cách đây 2 thập kỷ.

Những người từng phải sống dưới sự cai trị của Taliban giai đoạn (1996-2001) vẫn chưa thể quên sự hà khắc của luật lệ do Taliban áp dụng khi đó. 

Phụ nữ và các bé gái không được đi học, làm việc hay tự ý ra ngoài. Nếu muốn ra ngoài, họ phải đi cùng người thân là nam giới và phải che kín người chỉ hở mắt. Truyền hình, âm nhạc và các hình thức giải trí hầu như bị cấm. Đặc biệt, luật lệ ngày đó còn bao gồm việc hành quyết công khai những người bị kết tội giết người, ngoại tình hoặc chặt tay người phạm tội trộm cắp.

Theo Kochai, Taliban không hẳn là hoàn toàn xấu. Ảnh minh họa: tribuneindia

Theo Kochai, Taliban không hẳn là hoàn toàn xấu. Ảnh minh họa: tribuneindia

Cách đây 2 tháng, Kochai đã có cuộc nói chuyện đáng chú ý trên ABC News, trước khi Taliban có những bước tiến nhanh chóng và chiếm được Kabul. 

Nữ nghị sĩ Afghanistan nói, dù nhiều người dân phải chịu đựng luật lệ hà khắc của Taliban, nhưng lần tiếp quản đất nước đầu tiên của tổ chức này cách đây hơn 20 năm, xét về một số mặt, có thể mang tính tích cực trong bối cảnh chiến tranh Afghanistan thời điểm đó. 

Kochai, người từng trải qua giai đoạn (1996-2001) - khi Taliban nắm quyền lần đầu ở Afghanistan, cho biết, quốc gia Nam Á trước giai đoạn đó bị chiến tranh tàn phá, đầy rẫy tham nhũng và tội phạm. Những kẻ ác bá có quyền lực thường bắt những thiếu nữ trẻ và giao cho các binh lính để họ đưa về làm vợ. 

"Trước khi có Taliban, người dân Afghanistan phải sống trong sợ hãi.  Phụ nữ và bé gái thời điểm đó không được an toàn", Kochai chia sẻ trên ABC News. 

"Lúc đó, chúng tôi không còn tâm trí nghĩ về quyền bầu cử, quyền làm việc hoặc quyền tự do đi lại. Tất cả những gì mọi người nghĩ đến là sự an toàn khi ở trong nhà. Và đó chính là những gì mà Taliban yêu cầu phụ nữ phải làm thời điểm đó", nữ nghị sĩ 29 tuổi nói. 

Khi còn nhỏ, cô cho biết được Taliban đối xử rất tử tế. Bố mẹ của Kochai không biết chữ, nhưng cô vẫn được học kiến thức và con chữ nhờ một thủ lĩnh Taliban địa phương. Người này đã thuê một cựu nữ giáo viên về dạy cho con gái của ông ta và trẻ em địa phương. 

"Đặc biệt, khi Taliban cai trị, không có tình trạng tham nhũng hay tội phạm trong xã hội. Các luật lệ của Taliban thực sự rất hà khắc nhưng họ không phải hoàn toàn xấu. Họ vẫn có những điều tốt", Kochai nói. 

Hy vọng le lói

Nữ MC truyền hình phỏng vấn phát ngôn viên của Taliban. Ảnh: Twitter

Nữ MC truyền hình phỏng vấn phát ngôn viên của Taliban. Ảnh: Twitter

Theo NBC News, trong những ngày đầu Taliban tiếp quản Afghanistan, có những tia hy vọng le lói.

Nếu theo dõi Tolo News vào sáng 17/8, người Afghanistan sẽ thấy một nữ MC truyền hình ngồi đối diện, phỏng vấn trực tiếp phát ngôn viên của Taliban. Dưới thời Taliban trước đây, phụ nữ không được xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh cũng không có giọng nữ. 

Ngay trong cuộc họp báo đầu tiên này, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban, tuyên bố: "Chúng tôi không muốn lặp lại bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào. Những hận thù đã chấm dứt và chúng tôi muốn sống hòa bình".

Minh chứng cho tuyên bố này, thủ lĩnh tối cao Taliban ban lệnh tổng ân xá, cam kết bảo đảm an toàn cho các nhà thầu và những người phiên dịch từng làm việc cho Mỹ cùng tất cả các công chức cũ, các binh sĩ thuộc lực lượng chính phủ và thân nhân các gia đình đang tìm cách rời khỏi Afghanistan, theo Người Lao Động. 

Điều này khác hoàn toàn so với Taliban năm 1996 khi họ treo cổ Tổng thống Afghanistan thời điểm đó là ông Mohammed Najibullah, sau khi giành quyền kiểm soát.

Taliban còn tuyên bố sẽ thành lập một hội đồng lâm thời điều hành đất nước với sự tham gia không chỉ của Taliban, mà còn của đại diện mọi tôn giáo, sắc tộc và các thành phần chính trị trong nước. Tổ chức này cũng kêu gọi các công chức của chính phủ Afghanistan quay lại nhiệm sở làm việc để nhanh chóng "đưa cuộc sống trở lại bình thường".

Reuters hôm 18/8 đưa tin, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) bày tỏ sự lạc quan dù có phần thận trọng về việc hợp tác với các quan chức Taliban, vì tổ chức này sớm thể hiện sự ủng hộ với việc giáo dục cho các bé gái. 

UNICEF đang viện trợ cho hầu hết các vùng của Afghanistan và tổ chức các cuộc họp ban đầu với những người đại diện mới của Taliban ở các thành phố như Kandahar, Herat và Jalalabad.

"Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận ban đầu và khá lạc quan dựa trên những gì thu được từ các cuộc thảo luận này", Mustapha Ben Messaoud, người đứng đầu bộ phận hoạt động thực địa của UNICEF tại Afghanistan, nói trong một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc. 

Theo Người Lao Động, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov - người trực tiếp có mặt tại Kabul trong những ngày gần đây,  cho biết: "Taliban đang hành xử văn minh và có trách nhiệm. Không có một cuộc tắm máu như người ta lo ngại. Họ đang bắt tay khôi phục trật tự trong thành phố. Những tuyên bố của Taliban sau khi chiếm được Kabul tỏ ra khá ôn hòa. Họ khẳng định chính quyền của họ sẽ mang diện mạo mới, khác với thời kỳ 1996 - 2001".

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn quá sớm để khẳng định, theo nữ nghị sĩ Kochai.

"Lúc này, chúng ta không thể nói chính xác điều gì sẽ xảy ra và xảy ra như thế nào. Thời gian sẽ trả lời tất cả", nữ nghị sĩ 29 tuổi nói. 

Kochai cho biết sẽ chờ xem liệu Taliban có thực sự thay đổi so với một Taliban hà khắc 20 năm trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiểm soát Afghanistan, Taliban ngồi trên “kho báu” trị giá 1.000 tỉ USD

Việc Taliban nhanh chóng kiểm soát thủ đô Kabul, tuyên bố thành lập chính phủ mới ở Afghanistan đã tạo nên một cuộc khủng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN