Taliban có dám mạnh tay với "lò" sản xuất 85% thuốc phiện của thế giới?
Afghanistan được coi là vương quốc trồng cây thuốc phiện của thế giới, sản xuất tới 85% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới vào năm 2020.
Afghanistan được coi là vương quốc trồng cây thuốc phiện của thế giới.
“Mỗi khi tôi nhìn thấy cánh đồng trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan, tôi nhìn thấy chúng biến thành tiền mặt, rồi thành súng trường AK, mìn tự chế IED và súng phóng lựu chống tăng RPG”, Tướng Dan McNeill, chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO dẫn đầu tại Afghanistan, nói.
Hai ngày sau khi Taliban kiểm soát Kabul, phát ngôn viên Zabiullah Mujahid khẳng định Afghanistan “sẽ không phụ thuộc vào nguồn thu từ ma túy”.
"Afghanistan sẽ không phải là vương quốc trồng cây thuốc phiện. Cộng đồng quốc tế nên giúp chúng tôi tạo ra kế sinh nhai mới cho các nông dân”, Mujahid nói.
Nhưng Taliban làm cách nào để đoạn tuyệt với cây thuốc phiện, vốn đã ăn sâu vào nền kinh tế Afghanistan, thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Nền kinh tế thuốc phiện
Afghanistan sản xuất tới 85% lượng thuốc phiện trên toàn thế giới vào năm 2020, theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ). Năm 2018, LHQ nền kinh tế thuốc phiện chiếm tới 11% GDP của Afghanistan.
Ở giai đoạn đầu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Afghanistan năm 2001, Anh chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược chống ma túy.
Năm 2004, Mỹ trực tiếp can thiệp với chủ trương chấm dứt nạn trồng cây thuốc phiện. Giai đoạn 2005-2008, Mỹ mở chiến dịch phun thuốc diệt trừ cây thuốc phiện trên diện rộng, gây phẫn nộ cho một số cộng đồng người Afghanistan và làm tổn hại quan hệ giữa Kabul và Washington.
Theo một báo cáo năm 2018, hoạt động buôn bán thuốc phiện giúp các tổ chức như Taliban kiếm được khoản lợi lớn để phát động cuộc chiến chống chính phủ, là nguyên nhân khiến Mỹ đẩy mạnh nỗ lực chống ma túy.
Quân đội Mỹ từng cố gắng chấm dứt nạn trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan nhưng thất bại.
Tuy nhiên, cựu đại diện đặc biệt của Mỹ ở Afghanistan, Richard Holbrooke, từng nói rằng chiến dịch chống ma túy ở Afghanistan “là chương trình kém hiệu quả nhất của Mỹ trong lịch sử”.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Washington thất bại trong việc tạo ra kế sinh nhai mới cho các nông dân Afghanistan trồng cây thuốc phiện.
Năm 2017, Mỹ lại mở chiến dịch Bão tố Sắt (Iron Tempest), huy động oanh tạc cơ B-52 và tiêm kích F-22, không kích mạng lưới phòng thí nghiệm ma túy giúp Taliban thu lời từ cây thuốc phiện. Nhưng chiến dịch kết thúc trong thất bại, thậm chí khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, chính các nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt nạn trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan, là nguyên nhân càng có thêm các cộng đồng dân cư địa phương quay sang ủng hộ Taliban.
Taliban từng chống ma túy ra sao?
Khi lần đầu kiểm soát Kabul năm 1996, thuốc phiện được coi như mặt hàng hợp pháp ở Afghanistan, Jonathan Goodhand, giáo sư nghiên cứu xung đột và phát triển tại Đại học London, Anh, nói.
Năm 2000, Taliban thay đổi chiến lược, ban hành lệnh cấm sản xuất thuốc phiện, làm giảm sản lượng tới 90% và gần như xóa sổ vụ mùa trong năm, cắt giảm 65% nguồn cung trên toàn cầu, theo thống kê của LHQ.
Thủ lĩnh tối cao Taliban khi đó, Mullah Mohammed Omar, tuyên bố cây thuốc phiện là thứ “phi Hồi giáo”, cảnh báo rằng bất cứ ai trồng cây thuốc phiện sẽ bị trừng phạt nặng.
Một binh sĩ Afghanistan đi qua cánh đồng trồng cây anh túc năm 2005.
Theo giáo sư Goodhand, động thái của Taliban có thể nhằm tạo cơ sở để cộng đồng quốc tế công nhận. Nhưng lệnh cấm đã gây phản tác dụng.
Tình trạng thất nghiệp ở Afghanistan leo thang. Những nông dân từng ủng hộ Taliban, nay nợ nần chồng chất, quay sang căm ghét tổ chức này.
Taliban dỡ bỏ lệnh cấm trồng cây thuốc phiện vào năm 2001. Đến tháng 10.2001, tổ chức này bị đánh bật vì Mỹ phát động chiến dịch quân sự.
Các chuyên gia nhận định, khó có khả năng Taliban sẽ áp đặt lệnh cấm trồng cây thuốc phiện như năm 2000, vì điều này đe dọa đến vị thế của tổ chức.
“Thực tế là họ không thể ban hành lệnh cấm toàn diện vì cây thuốc phiện đã ăn sâu vào nền kinh tế Afghanistan”, Vanda Felbab-Brown, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói trên CNN.
Một lệnh cấm toàn diện chỉ càng tiềm ẩn nguy cơ bạo lực bùng phát, Felbab-Brown nói.
Felbab-Brown cho biết, khoảng 100.000 – 150.000 thành viên lực lượng an ninh trong chính phủ cũ, hiện đang thất nghiệp.
Việc trồng cây thuốc phiện sẽ giúp những người này có tiền nuôi sống bản thân, phần nào giúp ổn định kinh tế. “Nếu tước đi điều này, Taliban sẽ phải đối mặt với lực lượng 150.000 người là kẻ thù và không biết làm gì kiếm sống”, bà Felbab-Brown nhận định.
Các tay súng Taliban hiếm khi đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng cách và chưa tiêm vắc xin, nhưng có rất ít thông tin ghi...
Nguồn: [Link nguồn]