Taliban tuyên bố thành lập "chính phủ mới" ở Afghanistan, gồm cả người bị Mỹ truy nã
Taliban đã bắt đầu bổ nhiệm các vị trí trong chính phủ Afghanistan do tổ chức này đơn phương lập ra sau khi kiểm soát đất nước. Trong số những cái tên được bổ nhiệm, có người vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hoặc truy nã của Mỹ.
Thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar - người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng Afghanistan trong "chính phủ mới" của Taliban. Ảnh: Reuters
Theo RT, Mullah Mohammad Hassan Akhund, người đồng sáng lập Taliban và đứng đầu hội đồng lãnh đạo của tổ chức này, được bổ nhiệm là quyền Thủ tướng Afghanistan hôm 7/9.
Akhund bị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Anh coi là phần tử khủng bố và bị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt.
Mullah Abdul Ghani Baradar, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Afghanistan, theo một phát ngôn viên của Taliban. Baradar từng bị Mỹ truy lùng trước khi bị chính quyền Pakistan bắt giữ năm 2010. Sau 8 năm ngồi tù ở Pakistan, Baradar được thả. Hai năm sau, thủ lĩnh Taliban này làm nên lịch sử khi trở thành thủ lĩnh Taliban đầu tiên điện đàm trực tiếp với một Tổng thống Mỹ - khi đó là ông Donald Trump - sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Sirajuddin Haqqani được bổ nhiệm giữ chức quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan. Giới chức Mỹ coi Haqqani là phần tử khủng bố quốc tế. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt giữ người này.
Haqqani còn bị truy nã liên quan tới vụ tấn công vào một khách sạn ở thủ đô Kabul năm 2008, gây ra cái chết của 5 người, bao gồm 1 công dân Mỹ. Nhân vật này cũng bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công xuyên biến giới nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, đồng thời bị cáo buộc lên kế hoạch ám sát Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai năm 2008.
Mullah Yaqoob, con trai của cố thủ lĩnh kiêm người sáng lập Taliban Mullah Mohammed Omar, được bổ nhiệm vào vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan. Bất chấp dòng dõi chiến binh, Yaqoob được phương Tây đánh giá là người ôn hòa và là người ủng hộ cho đàm phán chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan.
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao và quyền Thứ trưởng Ngoại giao lần lượt thuộc về Amir Khan Muttaqi và Abas Stanikzai - 2 nhân vật không xa lạ với phương Tây khi tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar năm 2020. Đặc biệt, Stanikzai đã công khai ủng hộ thiết lập quan hệ với Washington.
Hôm 7/9, thư ký báo chí Nhà Trắng, Jen Psaki, cho biết, chính quyền ông Biden không vội vàng công nhận chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan.
"Không cần phải vội vàng công nhận chính phủ mới của Taliban. Việc công nhận chính phủ mới phụ thuộc vào các hành động tiếp theo của Taliban. Cả thế giới đều dõi theo các hành động đó, trong đó có nước Mỹ", bà Psaki nói trong một cuộc họp báo ngắn. "Tôi không có mốc thời gian của việc này. Điều đó phụ thuộc vào những gì Taliban thể hiện ở Afghanistan".
Trước đó, Suhail Shaheen, một phát ngôn viên của Taliban, tuyên bố tổ chức này sẵn sàng hợp tác với Mỹ vì lợi ích của cả Kabul và Washington. Taliban cũng hoan nghênh sự tham gia của Mỹ vào công cuộc tái thiết ở Afghanistan.
"Vâng, dĩ nhiên, đó là một chương mới nếu người Mỹ muốn thiết lập quan hệ với chúng tôi, trên tinh thần vì lợi ích của người dân 2 nước. Nếu họ muốn tham gia công cuộc tái thiết Afghanistan, chúng tôi rất hoan nghênh", Shaheen nói.
"Chúng tôi muốn thiết lập quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực cũng như các nước châu Á", phát ngôn viên của Taliban nói thêm.
"Chính phủ mới" do Taliban thành lập ở Afghanistan hiện vẫn chưa được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế công nhận.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu các lực lượng phương Tây không tấn công Taliban trong tương lai, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ không phải đón nhận...