Taliban 2.0?
Làm chủ thủ đô Kabul của Afghanistan lần này, Taliban thể hiện rất khác với những gì báo chí phương Tây hình dung về tổ chức này.
Ngay trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 17-8, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid đã tuyên bố: "Chúng tôi không muốn lặp lại bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào. Những hận thù đã chấm dứt và chúng tôi muốn sống hòa bình. Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù nào ở trong và ngoài nước".
Minh chứng cho tuyên bố đó, thủ lĩnh tối cao của Taliban đã ban lệnh tổng ân xá, cam kết bảo đảm an toàn cho các nhà thầu và những người phiên dịch từng làm việc cho Mỹ cũng như tất cả các công chức cũ, các binh sĩ thuộc lực lượng chính phủ và thân nhân các gia đình đang tìm cách chạy khỏi Afghanistan. Taliban cũng tuyên bố sẽ thành lập một hội đồng lâm thời điều hành đất nước với sự tham gia không chỉ của các thành viên ban lãnh đạo Taliban, mà còn của đại diện mọi tôn giáo, sắc tộc và các thế lực chính trị trong nước. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah thuộc chính phủ cựu Tổng thống Ashraf Ghani đang bay đến Qatar để thương lượng về việc lập một chính phủ liên hiệp dễ được cộng đồng quốc tế chấp thuận. Taliban cũng kêu gọi các công chức của chế độ cũ quay lại nhiệm sở làm việc để nhanh chóng "đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Lãnh đạo Taliban Mawlawi Abdulhaq Hemad chấp nhận ngồi đối diện để trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Beheshta Arghand. Ảnh: REUTERS
Một động thái đáng chú ý khác là lãnh đạo Taliban Mawlawi Abdulhaq Hemad chấp nhận ngồi đối diện để trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Beheshta Arghand thuộc kênh truyền hình tư nhân TOLO News. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ nước này được phép thực hiện cuộc phỏng vấn với một quan chức cấp cao Taliban. Saad Mohseni, giám đốc công ty truyền thông lớn nhất Afghanistan Moby Group, coi đó là một biểu tượng lịch sử cho sự thay đổi quan niệm về phụ nữ của tổ chức này. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid hôm 17-8 cam kết phụ nữ Afghanistan sẽ không bị phân biệt đối xử như trước và họ có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" Luật Hồi giáo Shariah. Các bệnh viện, trường học và cơ sở văn hóa sẽ tiếp tục hoạt động. Thành viên hội đồng văn hóa của Taliban Enamullah Samangani cũng khẳng định: "Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ nên tham gia vào cấu trúc chính phủ theo Luật Hồi giáo Shariah".
Trực tiếp có mặt tại Kabul trong những ngày này, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết: "Taliban đang hành xử một cách văn minh và có trách nhiệm. Hoàn toàn không có một cuộc tắm máu như người ta lo ngại. Họ đang bắt tay khôi phục trật tự trong thành phố. Những tuyên bố của Taliban sau khi chiếm được Kabul tỏ ra khá ôn hòa. Họ khẳng định chính quyền của họ sẽ mang diện mạo mới, khác với thời kỳ 1996 - 2001".
Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thừa nhận sau cuộc họp bất thường của các ngoại trưởng EU tại Brussels - Bỉ hôm 17-8 rằng EU phải tiếp xúc với chính quyền Kabul dù người nắm quyền là ai. "Taliban đã thắng trong cuộc chiến, chúng ta phải đàm phán với họ".
Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận việc rút quân khỏi Afghanistan là "đau, nhưng đúng". Ông cho biết Mỹ không đặt mục tiêu xây dựng một nhà nước dân chủ ở Afghanistan và quân đội Mỹ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chiến thắng mau lẹ của Taliban dường như đã khiến Mỹ từ bỏ "xuất khẩu dân chủ" - một sự thay đổi mang tính cách mạng của nền ngoại giao Mỹ.
Dường như Phong trào của các học viên (Taliban) đã học được rất nhiều trong 20 năm qua nhờ tiếp xúc các nước Hồi giáo thế tục và công nghệ hiện đại, với một thế hệ lãnh đạo mới khác hẳn những người xuất thân từ Học viện Hồi giáo Kandahar trước kia!
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 17-8, Taliban tuyên bố ân xá trên khắp Afghanistan, đồng thời kêu gọi nữ giới tham gia vào chính phủ do lực lượng này...