Tại sao Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Ngày 27/5 (giờ địa phương), Nga đã lên tiếng bác bỏ chỉ trích của Tổng thống Mỹ Joe Biden về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow ở Belarus, đồng thời cáo buộc Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân từ hàng chục năm qua ở châu Âu. Moscow đồng thời tuyên bố, đây là quyền chủ quyền của Nga và Belarus để đảm bảo an ninh bằng các biện pháp mà họ cho là cần thiết giữa một cuộc chiến hỗn hợp quy mô lớn do Mỹ phát động.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin đã ký kết các văn kiện xác định quy trình triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tại một cơ sở đặc biệt trên lãnh thổ Belarus. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào cuối tháng 3 rằng Moscow và Minsk đã đồng ý bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, điều mà ông nhấn mạnh là không vi phạm các cam kết của Nga về không phổ biến vũ khí hạt nhân và quyết định này tương tự như những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh.

Ông nói: "Nga chỉ làm những gì mà Mỹ đã làm trong nhiều thập niên bằng cách đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ". Bộ trưởng Sergey Shoigu giải thích, Nga và Belarus buộc phải đưa ra quyết định thích hợp để thực hiện các biện pháp đối phó trong lĩnh vực quân sự - hạt nhân do "sự leo thang cực kỳ nghiêm trọng của các mối đe dọa ở biên giới phía Tây của cả hai quốc gia".

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Topol- M của Nga.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Topol- M của Nga.

Ông đồng thời nhấn mạnh, các biện pháp mà Moscow và Minsk đưa ra tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện có. Chia sẻ quan điểm này, phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, Nga và Belarus đang phải đối mặt với thái độ "rất không thân thiện và thậm chí là thù địch" từ các quốc gia láng giềng, bao gồm cả "ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus".

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/5 cũng thông báo "việc triển khai vũ khí hạt nhân đã bắt đầu". Ông nói thêm rằng, Moscow không nên lo lắng về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân đang được triển khai ở nước này bởi Minsk sẽ giữ chúng an toàn. Bộ Ngoại giao Belarus thì nhắc lại rằng, đây là phản ứng đối với các "chính sách hiếu chiến đang được các quốc gia không thân thiện theo đuổi".

Trong một tuyên bố, Bộ trên nêu rõ: "Trong hai năm rưỡi qua, Cộng hòa Belarus đã phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh và các đồng minh NATO, cũng như các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại và rủi ro chính đáng trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh từ chúng, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình".

Trong phản ứng đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã chỉ trích thỏa thuận giữa Nga và Belarus. Tuy nhiên, ông nêu rõ rằng, Washington không thấy có lý do gì để điều chỉnh quan điểm hạt nhân chiến lược của mình hay nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời cảnh báo sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" nếu vũ khí sinh học, hóa học hoặc hạt nhân được sử dụng trong xung đột. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean_Pierre cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và khẳng định Washington vẫn giữ cam kết phòng vệ tập thể của NATO. Về phía EU, liên minh này cho biết việc Nga ký thỏa thuận và bắt đầu bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus khiến tình hình khu vực leo thang nguy hiểm.

"Đây là động thái sẽ khiến căng thẳng leo thang nguy hiểm hơn nữa", Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh. Theo ông, quyết định này trái với nhiều thỏa thuận quốc tế, cảnh báo mọi nỗ lực làm căng thẳng gia tăng sẽ đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ. Quan chức EU kêu gọi Nga tuân thủ các cam kết, kêu gọi Belarus dừng hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đảo ngược những quyết định chỉ khiến căng thẳng khu vực gia tăng và làm xói mòn chủ quyền của Belarus.

Hồi tháng 3 vừa qua, khi được hỏi về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết: "Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine và cùng nhau thúc đẩy tình hình lắng dịu". Theo bà, các bên nên giảm thiểu rủi ro chiến lược, bởi lẽ sẽ không có bên nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngoài ra, người phát ngôn Mao Ninh lưu ý các nhà lãnh đạo của năm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga - đã ra một tuyên bố chung vào tháng 1/2022 nhấn mạnh về sự cần thiết phải ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời giảm thiểu rủi ro chiến lược.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), còn được gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW), bao gồm các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phân phối được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế. TNW bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, mìn sâu và ngư lôi được trang bị đầu đạn hạt nhân. So với vũ khí hạt nhân chiến lược, NSNW kém mạnh mẽ hơn và nhằm mục đích tàn phá các mục tiêu của kẻ thù trong một khu vực cụ thể mà không gây ra sự hủy diệt trên diện rộng và bụi phóng xạ.

Nga ký thỏa thuận hạt nhân với Belarus, Mỹ cảnh báo ‘hậu quả nghiêm trọng’

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus - ông Viktor Khrenin vừa ký thỏa thuận về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN