Tại sao Nga không vội tấn công trả đũa vào các trung tâm chỉ huy của Ukraine?
Lý do tại sao Nga chưa ra đòn trả đũa nhằm vào các trung tâm chỉ huy của Ukraine đã được một chuyên gia quân sự của nước này giải đáp.
Sau những vụ Ukraine tập kích bằng pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS vào kho đạn Nga và gây thiệt hại nặng, có nhiều ý kiến trong nước Nga cho rằng cần phải trả đũa bằng cách tấn công các trung tâm chỉ huy của Ukraine.
Tại Nga hiện đang có hai luồng ý kiến: một bên bày tỏ nỗi thất vọng sâu sắc và tìm kiếm người phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại nặng, trong khi phe kia kêu gọi hành động trả đũa tích cực, tin rằng thời điểm đã đến.
Trước tình hình trên, chuyên gia quân sự, Đại tá về hưu Mikhail Khodarenok giải thích lý do vì sao cả hai đều sai. Vấn đề đầu tiên cần nhắc tới đó là tại sao các hệ thống phòng không của Nga chưa thể đẩy lui hoàn toàn cuộc tấn công.
Theo ông Khodarenko, ở Belgorod đúng là có lưới lửa phòng không nhiều lớp gần như hoàn hảo để đối phó mọi mối đe dọa từ Ukraine. Nhưng Kyiv đang nã pháo vào các vùng đất ly khai và lãnh thổ Nga bằng nhiều phương thức rất khó lường.
“Họ đang tìm kiếm mọi cơ hội để bắn qua các tuyến phòng không. Ukraine thường bắn phá bằng tên lửa chiến thuật Tochka-U cùng với cuộc tấn công bằng pháo phản lực phóng loạt Uragan hoặc Smerch".
"Khi hai vũ khí trên phối hợp với nhau nhằm vào cùng một mục tiêu, rất khó để đánh chặn các đạn tấn công một cách hiệu quả”, chuyên gia quân sự Khodarenko nói trong cuộc phỏng vấn với tờ PolitExpert (PE).
Tuy nhiên hệ thống phòng không của Belgorod vẫn đang đối phó được, ông Khodarenok nhấn mạnh. Từ khi Ukraine bắt đầu hoạt động đặc công, gần như 100% mục tiêu đã bị đánh chặn. "Nhưng thật không may, không có thuốc chữa bách bệnh", người đối thoại của tờ PE thừa nhận:
“Sự tàn phá và thương vong xảy ra do Tochka-U là một tên lửa lớn".
Đối với những lời kêu gọi tấn công vào các trung tâm ra quyết định của Ukraine như một sự trả đũa, ông Khodarenok cho rằng không thể biết chính xác tất cả các sở chỉ huy của Lực lượng vũ trang Ukraine và trung tâm ra lệnh của cấp chỉ huy cao nhất.
Ngoài ra các căn cứ này bao gồm nhiều vị trí dự bị và luôn thay đổi. Không có gì đảm bảo rằng các chỉ huy của Lực lượng vũ trang Ukraine cũng như giới lãnh đạo quân sự - chính trị của đất nước sẽ có mặt tại thời điểm cuộc tấn công xảy ra.
Không chỉ có vậy, nhiều trung tâm chỉ huy nằm trong các hầm trú ẩn chống bom hạt nhân. Có nghĩa là việc phá hủy hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Quân đội Ukraine sẽ không diễn ra nhanh chóng và đơn giản.
“Mặc dù các cuộc tấn công nhằm vào những trung tâm ra quyết định ở các thành phố thực sự có thể xảy ra, nhưng chúng nhiều khả năng không đạt được kết quả như mong muốn".
"Ngoài ra, chúng sẽ giúp Ukraine có thể cung cấp bức tranh cho cộng đồng thế giới về việc thường dân phải hứng chịu thương vong một cách nặng nề như thế nào”, chuyên gia Khodarenok nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]