Tại sao Mỹ vẫn im lặng trước 'bước tiến lớn' của Ukraine?
Dù phía Ukraine những ngày gần đây liên tục khoe chiến tích trong các đợt phản công ở miền nam và miền đông đất nước, Mỹ - bên hỗ trợ lớn nhất của Kiev trong xung đột với Moscow hầu như vẫn im lặng về việc này.
Trong bài phát biểu ngày 11-9, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tuyên bố quân đội nước ông đã phản công và giành lại 6.000 km vuông lãnh thổ từ tay Nga, theo hãng thông tấn Ukrinform.
Tuy nhiên, tại Washington, các quan chức Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao vẫn tỏ ra khá thận trọng và không nói nhiều về bước tiến của Ukraine, theo tờ The Los Angeles Times.
“Rõ ràng là Ukraine đang chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mong muốn giành thắng lợi của Ukraine trên chiến trường. Đó là mục tiêu của chúng tôi” - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói hôm 12-9.
Còn rất đông quân Nga ở Ukraine
Phía Mỹ hiểu rõ nguồn cung vũ khí, thời tiết và quyết tâm ở Moscow cũng như ở Washington và châu Âu sẽ quyết định diễn biến tiếp theo của xung đột, theo The Los Angeles Times.
Theo các quan chức Mỹ, giao tranh giữa Nga và Ukraine có thể vẫn tiếp diễn bất chấp quân Ukraine đã đẩy quân Nga đến một phần biên giới của hai nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Những dấu hiệu ban đầu là tích cực và chúng tôi thấy Ukraine đang đạt được những tiến bộ thực sự".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hiện vẫn còn một số lượng lớn lực lượng của Nga đang ở Ukraine, và Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ký sắc lệnh cử thêm quân vào nước láng giềng.
Chưa phải lúc hai bên ngồi xuống đàm phán
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Ukraine đang đạt được tiến bộ trong xung đột và giành lại lãnh thổ ở phía nam và phía đông ở các khu vực thuộc tỉnh Kharkiv”.
Những người ủng hộ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ Ukraine tỏ ra lạc quan rằng bước đột phá tiềm năng của Ukraine có thể là thời điểm mà việc tăng cường hỏa lực sẽ nhường chỗ cho các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng các cuộc đàm phán vẫn khó xảy ra trong lúc này. Theo họ, hầu hết điều kiện tiên quyết để Nga ngồi vào bàn đàm là Ukraine phải đầu hàng hoàn toàn.
Mỹ không muốn trực tiếp đối đầu Nga
Phản ứng của các quan chức Mỹ đối với những bước tiến mới của Ukraine trên chiến trường phù hợp với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2.
Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ hôm 12-9 cho biết Lầu Năm Góc đã xác nhận Ukraine đã đạt được một số thành công trên chiến trường.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết thêm rằng: "Chúng tôi đã rất nhất quán trong việc không lên tiếng ủng hộ quân đội Ukraine, kể cả trong điều kiện hiện tại hay tương lai".
Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Điều này có thể là kết quả từ bài học Mỹ rút ra từ quyết định rút quân khỏi Afghanistan gần hai năm trước, theo The Los Angeles Times.
Theo đó, các quan chức chính quyền ông Biden hiểu rằng động lực của một cuộc chiến có thể thay đổi theo thời gian và tuyên bố chiến thắng quá sớm có thể là một sai lầm.
Ngay từ đầu xung đột, ông Biden đã không gửi cho Ukraine các loại vũ khí tấn công, thay vào đó Washington tập trung vào các gói hệ thống tên lửa Stinger và Javelin.
Chỉ sau khi xung đột ngày càng leo thang, Mỹ mới bắt đầu gửi các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Vào tháng 5, ông Biden đã ký một gói hỗ trợ mới trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine. Kể từ đó, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã bao gồm các loại vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm pháo, máy bay không người lái có vũ trang và hệ thống pháo tinh vi được gọi là HIMARS mà Ukraine đã sử dụng để phá hủy các mục tiêu Nga thời gian gần đây.
Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng lo lắng rằng một phát ngôn công khai về bước tiến của Ukraine vào thời điểm này sẽ củng cố tuyên bố của ông Putin rằng ông đang chống lại một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây.
Trước đó, Nhà Trắng đã nhiều lần khẳng định xung đột Ukraine không phải là cuộc chiến của Mỹ hay cuộc chiến ủy nhiệm giữa phương Tây và Nga.
Chính vì thế, để ngăn một cuộc đối đầu trực tiếp Mỹ-Nga - một cuộc chiến mà cả hai bên đều không mong muốn, việc tránh leo thang căng thẳng chính là giải pháp tối ưu nhất của Washington vào lúc này.
Ukraine tiếp tục đưa ra các điều kiện mới cho một cuộc đàm phán hòa bình với Nga, đồng thời công bố tài liệu về cơ chế đảm bảo an ninh mới cho nước này.
Nguồn: [Link nguồn]