Tại sao khi đang hùng mạnh, Tần Thủy Hoàng đi xây Vạn Lý Trường Thành thay vì đánh Hung Nô?
Quân Tần đại phá bộ tộc Hung Nô, nhưng Tần Thủy Hoàng ra lệnh không truy kích mà dừng lại để xây Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành dài hơn 20.000km (ảnh: China Daily)
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, năm 215 TCN, sau khi diệt 6 nước chư hầu, quân Tần đã có một trận ác chiến với quân Hung Nô. Địa điểm diễn ra cuộc chiến là ở dãy núi Âm Sơn, thuộc vùng Nội Mông, Trung Quốc ngày nay. Quân Tần thắng lớn.
Sử ký chép, ở phía tây bắc, Mông Điềm dẫn quân Tần đánh đuổi Hung Nô từ Du Trung (một quận tại thành phố Trùng Khánh) dọc theo sông Hoàng Hà tới Âm Sơn, thu phục 31 huyện. Tần Thủy Hoàng sai Mông Điềm dẫn quân vượt sông Hoàng Hà lấy thêm đất Cao Khuyết, Đào Sơn, Bắc Giả. Quân Hung Nô phải lui thêm mấy trăm dặm.
Đến đây, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho Mông Điềm dừng lại, thống lĩnh 30 vạn quân trấn thủ Thượng Quận (nay thuộc huyện Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) và bắt đầu kế hoạch xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Ở các vùng đất mới thu phục được của Hung Nô, Tần Thủy Hoàng sai đem những người phạm tội đày đến đó, cắt đặt quan lại cai trị, thiết lập chế độ quận huyện.
Sohu (trang tin Trung Quốc) bình luận, một số người cho rằng Tần Thủy Hoàng sợ tộc Hung Nô. Vì vậy, ông ra lệnh cho tướng Mông Điềm không truy kích Hung Nô mà xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Sự thật là quân Tần chưa bao giờ bại trận trước Hung Nô và Tần Thủy Hoàng cũng không có lý do gì để e sợ bộ tộc này.
Vậy vì sao Tần Thủy Hoàng không ra lệnh tiêu diệt tận gốc tộc Hung Nô mà phải xây dựng Vạn Lý Trường Thành – bước đầu dẫn đến con đường diệt vong của nhà Tần?
Quân Hung Nô liên tục quấy nhiễu, khiến người Tần khổ sở (ảnh: Sina)
Đôi nét về Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành (thành dài vạn dặm) được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN, đến thời nhà Minh (1368 – 1644) mới hoàn thành. Trước khi Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành trên quy mô lớn, các nước Yên, Triệu và Tần đã đắp được một phần nhỏ của Trường Thành. Từ nền móng này, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành cao và dài thêm.
Theo Sina, Vạn Lý Trường Thành dài khoảng 21.000km. Chiều cao trung bình của tường thành là khoảng 7 mét. Chiều rộng mặt thành khoảng 5 – 6 mét.
Vạn Lý Trường Thành chạy dọc 15 tỉnh thành và khu tự trị ở Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ và Tân Cương.
Năm 1987, công trình phòng thủ khổng lồ này được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tranh vẽ người Tần xây Vạn Lý Trường Thành (ảnh: Sohu)
Lý do Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành
Là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng có công lớn khi đánh dẹp 6 nước chư hầu, chấm dứt hơn 500 năm cát cứ, phân tranh. Tuy nhiên, ông cũng bị hậu thế chê trách bởi lối cai trị tàn bạo và độc đoán.
Thời Tần Thủy Hoàng, có 3 công trình lớn được xây dựng, bao gồm Vạn Lý Trường Thành, cung A Phòng và lăng mộ trong núi Ly Sơn. Trong đó, Vạn Lý Trường Thành là công trình tốn kém nhất.
Theo History, sử sách Trung Hoa chép rằng ước tính có tới 400.000 người bỏ mạng để xây dựng Vạn lý Trường Thành thời Tần Thủy Hoàng. Những người chết được chôn ngay bên dưới tường thành.
Tuy nhiên, con số này được cho là bị thổi phồng.
Theo Sohu, Tần Thủy Hoàng có thể không cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nếu như ông có cách tốt hơn để đối phó bộ tộc Hung Nô.
Trước hết, việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành xuất phát từ lợi ích của nước Tần. Sau khi thôn tính 6 nước, quân lực của Tần vẫn còn rất mạnh. Về cơ bản, Tần Thủy Hoàng có thể tiếp tục chinh phạt Hung Nô, nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa.
Tới năm 221 TCN, hầu hết đất nông nghiệp có thể canh tác được ở Trung Quốc đã nằm trong tay nhà Tần. Ở khu vực phía bắc, nơi người Hung Nô và một số bộ tộc khác sinh sống, đất đai chủ yếu là hoang mạc, lùi sâu hơn nữa là sa mạc Gobi, khí hậu rất khắc nghiệt. Quân Tần có thể chiếm thêm một số vùng đất của người Hung Nô, nhưng chẳng mang lại lợi ích gì khi không thể trồng lúa, hoa màu.
Quân đội Tần từng đánh cho tộc Hung Nô thảm bại (ảnh: Sohu)
Theo Lsqww (trang chuyên lịch sử Trung Quốc), Tần Thủy Hoàng là một nhà kinh tế giỏi khi lựa chọn không tiến hành Bắc phạt Hung Nô.
Thời Tần, dân số Trung Quốc có khoảng 20 triệu người, chủ yếu là nông dân. Muốn đối phó tộc Hung Nô (bộ tộc chủ yếu chiến đấu trên lưng ngựa), nhà Tần phải chuẩn bị một lực lượng kỵ binh hùng hậu. Trong khi đó, quân Tần bấy giờ chủ yếu là bộ binh.
Việc biến những người nông dân ít cưỡi ngựa trở thành các đội kỵ binh không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, vừa canh tác nông nghiệp, vừa xây thành đắp lũy vốn là thế mạnh của người Trung Hoa.
Ngay cả khi chuẩn bị được lực lượng kỵ binh mạnh mẽ, việc vận tải lương thực tới khu vực hoang mạc phía bắc – nơi người Hung Nô sinh sống – cũng có thể trở thành “ác mộng” đối với quân Tần. Khác với các chiến binh Hung Nô vừa đánh trận vừa chăn thả gia súc, binh sĩ Tần chủ yếu dựa vào thóc lúa chuyển từ hậu phương.
Đối với Tần Thủy Hoàng, đây là bài toán thiệt – hơn dễ lựa chọn, theo Lsqww.
Các chiến dịch thời Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN) và thời Minh Thành Tổ (1360 – 1424) là bài học lớn nhất cho thấy sự vô nghĩa của việc vượt qua Trường Thành để tấn công Hung Nô, Mông Cổ, theo Sohu.
Năm 127 TCN, Hán Vũ Đế cử tướng Vệ Thanh và Lý Tức dẫn quân đánh Hung Nô, chiếm được vùng Hà Sáo (thuộc Nội Mông). Năm 121 TCN, Hán Vũ Đế cử Hoắc Khứ Bệnh dẫn quân lên phía bắc, đánh sâu vào đất Hung Nô.
Hán sử chép, Hoắc Khứ Bệnh dẫn quân vượt nghìn dặm, đánh phá 5 tiểu quốc của tộc Hung Nô. Nhà Hán chiếm được nhiều đất đai của Hung Nô và thành lập quận huyện.
Năm 119 TCN, Hán Vũ Đế lại cử tướng Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh tấn công Hung Nô. Để phục vụ chiến dịch này, nhà Hán đã huy động 10 vạn kỵ binh, 14 vạn ngựa chiến và 50 vạn bộ binh, dân phu làm hậu cần.
Kết quả là quân Hán thắng lớn, thu hàng 4 vạn quân và bắt sống nhiều quý tộc Hung Nô.
Tuy nhiên, tộc Hung Nô không chịu khuất phục.
Từ năm 119 TCN đến năm 90 TCN, tộc Hung Nô và quân Hán liên tục giao tranh. Nhà Hán thiệt hại lớn về kinh tế. Đến năm 90 TCN, quân Hán và Hung Nô đại chiến ở Ngũ Nguyên (thuộc vùng Nội Mông), quân Hán thua to, tổn thất hơn 1 vạn người.
Sau thất bại này, Hán Vũ Đế phải cầu hòa và cống nạp cho Hung Nô. Hầu hết vùng đất nhà Hán thu được trước đó lại về tay Hung Nô.
Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn tập hợp hầu hết bộ lạc du mục ở vùng Đông Bắc Á thành nhà nước Mông Cổ. Đến thời điểm này, tộc Hung Nô đã suy tàn, dần bị đồng hóa vào các dân tộc khác, không còn cai trị vùng thảo nguyên Mông Cổ nữa.
Thời Minh Thành Tổ (1360 – 1424), nhà Minh đã 5 lần Bắc phạt hòng tiêu diệt tận gốc thế lực của Mông Cổ. 5 lần xuất quân, nhà Minh đều đánh thắng nhưng không chiếm được vùng đất nào của Mông Cổ.
Năm 1424, Arughtai – một trong các thủ lĩnh của Mông Cổ – tấn công thành Khai Bình và Đại Đồng. Minh Thành Tổ đáp trả bằng cách phát động chiến dịch Bắc phạt lần thứ 5.
Trước đó, trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ 3 (cách đó 2 năm), nhiều đại thần đã can gián Minh Thành Tổ, cho rằng không nên động binh chống Arughtai vì sẽ làm quốc khố trống rỗng. Trong 3 viên đại thần khuyên can, có 1 người tự sát còn 2 người bị Minh Thành Tổ trị tội.
Tháng 4/1424, Minh Thành Tổ hội quân lớn ở Bắc Kinh, tiến đánh Arughtai. Quân Mông Cổ đánh vài trận nhỏ rồi bỏ chạy. Các tướng khuyên Minh Thành Tổ dẫn quân truy kích sâu vào vùng Nội Mông, nhưng ông đã quá mệt mỏi, hạ lệnh lui binh.
Theo Sina, quân Hung Nô chủ yếu chiến đấu trên lưng ngựa, đến và đi “nhanh như gió”. Đối với tộc Hung Nô, việc tấn công và cướp phá các vùng đất của Tần mang lại “lợi nhuận cao và rủi ro thấp”.
Nhưng đối mặt với Vạn Lý Trường Thành, lợi thế cơ động của quân Hung Nô bị chặn đứng. Công phá thành trì không phải thế mạnh của Hung Nô.
Sơn Hải Quan – một phần của Vạn Lý Trường Thành (ảnh: Xinhua)
Theo Sohu, Vạn Lý Trường Thành được thiết kế và xây dựng một cách thông minh. Mặt thành rất rộng (5 – 6 mét), giúp quân Tần tăng tính cơ động, dễ dàng vận chuyển vũ khí và tăng viện nhanh trên mặt thành.
Khi quân Hung Nô tấn công vào một phần của Trường Thành, họ phải nhanh chóng rút lui nếu không muốn bị áp đảo về lực lượng.
Hơn 1.500 năm sau khi Tần Thủy Hoàng cho xây dựng, Vạn Lý Trường Thành vẫn thể hiện lợi ích trong nỗ lực phòng thủ của nhà Minh, theo Lsqww.
Từ năm 1618 đến năm 1644, quân Thanh tấn công hàng chục lần nhưng không hạ nổi Sơn Hải Quan (cửa ải đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành, nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh).
Tháng 5/1644, Ngô Tam Quế (tướng nhà Minh) làm phản, mở cửa Sơn Hải Quan, quân Thanh mới tiến vào được Trung Hoa.
Theo Sohu, mặc dù Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành là đúng đắn, nhưng cách ông cai trị quá hà khắc, khiến người dân khổ cực. Để xây dựng Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng đã huy khoảng 1 triệu dân phu (tương đương 1/20 dân số nước Tần thời bấy giờ).
Trong quá trình xây dựng Trường Thành, hàng nghìn người đã bỏ mạng do bệnh tật, khí hậu khắc nghiệt và lao dịch cực khổ.
Không có “sát thần” Bạch Khởi, nhà Tần vẫn còn nhiều tướng tài đủ sức giúp Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước, thống nhất Trung Hoa.
Nguồn: [Link nguồn]