Tại sao hàng ngàn công nhân Việt làm việc “chui” tại Đài Loan?

Hàng ngàn công nhân nhập cư Việt Nam đang bị dụ dỗ đến Đài Loan bởi những người môi giới vô đạo đức với những lời hứa hão về mức lương cao và điều kiện sống tốt. Nhiều người đã biến mất, chấp nhận một cuộc sống trong bóng tối.

Tại sao hàng ngàn công nhân Việt làm việc “chui” tại Đài Loan? - 1

Năm 2011, Mai đã vay 6.300 USD - gấp 10 lần số lương hàng năm của cô tại một nhà máy sản xuất chip cho điện thoại Samsung ở miền bắc Việt Nam. Cô dùng số tiền đó để trả phí môi giới  cho một công việc tại một nhà máy điện tử ở Đài Trung, miền trung Đài Loan.

Cô để lại hai đứa con trai và chồng của mình, một nông dân bị mù một bên mắt ở Việt Nam để sang Đài Loan, bởi người môi giới nói với cô rằng cô có thể kiếm được 1.000 USD mỗi tháng nếu chịu làm thêm giờ.

Nhưng không ai nói với cô về tất cả các khoản phí, thuế và chi phí sinh hoạt mà cô phải trả, rằng cô sẽ làm ca đêm từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng ngày hôm sau, và nếu vì mệt mà mắc lỗi khi làm việc cũng sẽ bị trừ lương. Thu nhập thực tế hàng tháng của cô chỉ là 500 USD.

Khi chủ công ty đe dọa sa thải 45 công nhân Việt Nam vì đã phản đối giao kèo bất hợp pháp buộc họ không thể bỏ trốn, 20 người trong số đó đã bất chấp và bỏ chạy để tìm kiếm công việc bất hợp pháp khác. Mai nằm trong số đó.

“Tôi không thể về nhà. Tôi đã hơn 30 tuổi rồi, thật khó để tôi quay trở về”, cô nói. “ít nhất thì tôi cũng có cơ hội kiếm được tiền”.

Tại sao hàng ngàn công nhân Việt làm việc “chui” tại Đài Loan? - 2

Nữ công nhân Mai. Ảnh: SCMP

Theo báo South China Morning Post, ước tính có 25.000 công nhân Việt Nam đã biến mất ở Đài Loan. Giống như Mai, nhiều người đã đến hòn đảo này để làm việc hợp pháp, nhưng đã phá vỡ hợp đồng và tham gia vào thị trường lao động chợ đen. Họ chiếm gần một nửa số lao động nước ngoài biến mất; công nhân Indonesia chiếm phần lớn còn lại.

Nguyễn Thị Mai Thúy, điều phối viên của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho biết, “có rất nhiều lý do khiến người lao động bỏ trốn, ở lại quá thời gian cho phép hoặc đến qua các đường không chính thức. Chi phí cao [để có công việc] dẫn đến nợ nần là một trong những lý do chính”.

Đài Loan đã mở cửa thị trường lao động cho những người nhập cư có tay nghề thấp vào năm 1992, bởi dân số đang già đi nhanh chóng còn người trẻ thì ngày càng không thích làm việc trong các nhà máy, trên thuyền đánh cá hoặc trong những viện dưỡng lão.

Kể từ đó, nước này đã chào đón một lượng lớn nhân công, chủ yếu từ Indonesia, Thái Lan  và Philippines. Lao động Việt Nam tuy đến sau, nhưng đã trở thành nguồn lao động chính cho Đài Loan từ năm 2001 và hiện chiếm một phần ba trong số hơn 700.000 lao động trong các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ xã hội, chỉ xếp sau Indonesia.

Cách hợp pháp duy nhất để người lao động tay nghề thấp Việt Nam có được việc làm ở Đài Loan là thông qua một nhà môi giới địa phương, và với mức phí quá cao, nhiều người đã tìm đến các con đường khác, từ đó dễ bị đưa vào đường dây buôn người. Vào dịp Giáng sinh năm ngoái, 152 khách du lịch Việt Nam đã biến mất ngay sau khi đặt chân đến Đài Loan.

Kể từ ngày 21-2, 61 người trong số họ vẫn mất tích; một số người đã ra trình diện hoặc bị cảnh sát bắt, thừa nhận rằng họ mong được làm việc chui tại Đài Loan sau khi đã trả cho những người môi giới chui số tiền lên tới 3.000 đô la Mỹ. Cảnh sát đã buộc tội hai người Đài Loan và hai người Việt Nam liên quan đến vụ việc.

Theo Diễn đàn Di cư ở châu Á, ngay cả các nhà môi giới hợp pháp cũng có thể tính phí lên tới 7.000 đô la Mỹ để đảm bảo công nhân Việt Nam có được một công việc trong nhà máy trong ba năm. Con số này gấp 1,3 lần số tiền mà người Indonesia phải trả, và gấp đôi đến gấp ba số tiền trả bởi công nhân Philippines và Thái Lan.

Cùng với mức phí cao hơn, người lao động từ Việt Nam cũng biến mất nhiều hơn. Năm 2018, con số biến mất của công nhân Việt Nam là 4,38%, so với 2,88% của Indonesia, 0,5% của Thái và 0,41% của Philippines.“Những người môi giới chỉ quan tâm đến việc gửi càng nhiều công nhân càng tốt, mà không cần quan tâm đến đào tạo hay cho công nhân học ngoại ngữ; như thể họ chỉ muốn đẩy công nhân đi càng nhanh càng tốt”, Phạm Thảo Vân, một nhà hoạt động vì quyền công nhân, nói.

Các cơ quan tuyển dụng tư nhân ở Đài Loan, nơi thu phí công nhân hàng tháng từ 50 đến 60 USD, được cho là để giúp người nhập cư vượt qua rào cản ngôn ngữ, các vấn đề hành chính và làm trung gian hòa giải mỗi khi có xung đột với chủ công ty. Trong thực tế, lại thường là một tầng trung gian tiếp tục lạm dụng công nhân.

Tại sao hàng ngàn công nhân Việt làm việc “chui” tại Đài Loan? - 3

Lao động nước ngoài biểu tình ở Đài Loan. Ảnh: SCMP

Sau bốn năm xa xứ, làm những công việc lặt vặt và đôi khi bị nợ lương tới một tháng, Mai trở về nước, gần như không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Nhưng đã đến lúc phải quay về, những đứa con của cô đã lớn và cô muốn dành thời gian cho cha mình, người không còn sống được bao lâu nữa bởi căn bệnh ung thư.

Bà Phạm nói: “Mỗi ngày, tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn từ các công nhân xin lời khuyên về việc thay đổi công ty hoặc phàn nàn về các môi giới [Đài Loan] đang gây khó và đe dọa sẽ trả họ về nước”.

Đó là thực tế của một người phụ nữ gần 50 tuổi, người đã dành chín năm qua để vận hành tổ chức Trái tim yêu thương, một tổ chức thiện nguyện xử lý cái chết của hơn 200 người Việt nhập cư tại Đài Loan từ 2014 đến 2018, hầu hết trong số họ đều không có giấy tờ.

“Cá nhân tôi đã giao 30 chiếc bình tro cốt cho các gia đình nạn nhân”. Bà Phạm nhớ lại những đêm ở bệnh viện, nhà xác và những ngọn núi xa xôi hẻo lánh tìm kiếm những công nhân mất tích. Hầu hết các trường hợp tử vong là do công nhân không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc phải làm việc và sống trong điều kiện không an toàn, như trường hợp sáu công nhân đã chết trong vụ cháy nhà máy vào tháng 12-2017.

Luật Việt Nam quy định rằng tổng chi phí trả cho các nhà môi giới không được vượt quá 4.000 USD cho mỗi công nhân. Nhưng các nhà môi giới vẫn tiếp tục tính phí cao hơn quy định, trong khi con số khai trong biên lai thuế lại khác.

Bà Vân và bà Thúy của ILO cho biết ngay cả mức 4.000 USD cũng là quá cao do mức lương tối thiểu hàng tháng ở Đài Loan chỉ có 712 USD. Nhưng các nhà môi giới Việt Nam nói rằng họ khó có thể giảm phí vì đã trả rất nhiều tiền cho các cơ quan tuyển dụng của Đài Loan.

Các công ty sử dụng lao động, nhằm tránh những quy trình hành chính phức tạp khi thuê lao động nước ngoài, thường tìm đến các cơ quan tuyển dụng Đài Loan. Các cơ quan này, để duy trì tính cạnh tranh, tính phí các công ty môi giới tại các quốc gia có người lao động cao. Các nhà môi giới do đó tính phí công nhân cao.

Nhà môi giới Việt Nam Nguyễn Quyết cho biết phí của công nhân Việt Nam đắt hơn vì công việc tại Đài Loan kém hấp dẫn hơn đối với người lao động tại các quốc gia khác. Nói cách khác, lương ở Đài Loan so với các quốc gia này không cao như so với Việt Nam.

Vào tháng 1-2018, Bộ Lao động Việt Nam đã đưa ra một chương trình tuyển dụng của nhà nước, chỉ thu công nhân mức phí 565 USD, nhưng chỉ đưa được 33 công nhân đến Đài Loan trong cả năm.

Các quốc gia khác đã thành công hơn trong các cuộc đàm phán với Đài Loan để bảo vệ an toàn cho công nhân của họ. Philippines đã ký kết một kế hoạch tuyển dụng trực tiếp với Đài Loan vào năm 1999, trong khi Indonesia đã đạt được tiến bộ trong việc thực hiện chính sách thu phí 0 đồng cho người lao động bằng cách chuyển tất cả gánh nặng phí lên người sử dụng lao động.

Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dân quyền trong nhiều năm đã vận động để loại bỏ bớt công ty trung gian nhằm cắt giảm phí. Nhưng Nguyễn Quyết, nhà môi giới, cho rằng số lượng lao động quá lớn để chính quyền có thể quản lý. Thay vào đó, người môi giới, bản thân là một cựu công nhân nhập cư, hy vọng Đài Loan sẽ kết nối trực tiếp các nhà môi giới Việt Nam với các nhà tuyển dụng nước này.

Việt Nam không nên cạnh tranh bằng cách áp mức phí cao hơn lên người lao động, mà phải cạnh tranh dựa trên chất lượng của công nhân”, bà Nguyễn Thị Mai Thúy của ILO cho biết.

Video vụ tai nạn khiến 5 người Việt ở Thái Lan tử vong

Xe 16 chỗ chở khách mang màu sơn xanh đã bất ngờ bị một xe tải kéo theo rơ moóc đâm ngang hông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỆT ÁNH ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN