Tại sao Đức vẫn từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Trong khi Mỹ và một số nước phương Tây đã gửi cho Ukraine những vũ khí tầm xa thì Đức vẫn từ chối chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. Nguyên nhân do đâu?

Trong khi Mỹ và Anh băn khoăn có cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga hay không thì Đức còn ở bước từ chối cung cấp các tên lửa như vậy cho Kiev.

“Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về những gì chúng tôi sẽ làm và những gì chúng tôi sẽ không làm. Quyết định này sẽ không thay đổi” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói về lập trường của nước này trong việc từ chối cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine hồi giữa tháng 9.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: GETTY IMAGES

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: GETTY IMAGES

Vào mùa xuân năm nay, Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS) với tầm bắn có thể lên tới 300 km tùy theo biến thể.

Ngoài ATACMS, Ukraine còn nhận được tên lửa Storm Shadow của Anh cùng với tên lửa SCALP của Pháp, có tầm bắn lên tới 250 km. Kho vũ khí này đã giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea và Biển Đen.

Thông thường, sau khi Washington đồng ý chuyển giao một loại vũ khí nào cho Kiev, Berlin sẽ có động thái tương tự, như trường hợp của hệ thống phòng không Patriot vào đầu năm 2023 hay các xe tăng chiến đấu.

Tuy nhiên, trong lần Mỹ chuyển giao ATACMS, Đức đã không nối gót bằng Taurus.

Đầu tháng 8, khi Ukraine bất ngờ tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, Bộ Quốc phòng Đức khi đó nói rằng Ukraine có quyền “tự do lựa chọn” vũ khí sử dụng bên trong nước Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế. Dù vậy, Berlin vẫn tiếp tục trì hoãn yêu cầu của Kiev về việc cung cấp mảnh ghép cuối cùng - một hệ thống tên lửa có thể nhắm vào quân đội Nga.

“Kịch bản ác mộng đối với Thủ tướng Scholz là Ukraine sẽ sử dụng Taurus để tấn công các mục tiêu chính trị nhạy cảm bên trong nước Nga. Ông Scholz lo ngại rằng điều này có thể leo thang chiến tranh và đẩy Đức vào cuộc chiến trực tiếp với Nga” - ông Fabian Hoffmann, chuyên gia về công nghệ tên lửa tại ĐH Oslo (Na Uy) nói với tờ Kyiv Independent.

Một quyết định mang tính chính trị

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho rằng việc Đức từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine có liên quan động thái đe dọa hạt nhân từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Theo tôi hiểu, Thủ tướng Scholz nói rằng Đức không phải là quốc gia hạt nhân và rằng [tên lửa tầm xa Taurus] là hệ thống vũ khí mạnh nhất ở Đức” - ông Zelensky trả lời phỏng vấn với tờ Bild (Đức).

Tên lửa tầm xa Taurus KEPD 350. Ảnh: AFP

Tên lửa tầm xa Taurus KEPD 350. Ảnh: AFP

Trong những bình luận gần đây, ông Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh phương Tây về một “cuộc chiến” giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga.

Một trong những lý do mà Đức đưa ra để từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine là các tên lửa này không thể sử dụng nếu không có sự tham gia của binh sĩ Đức. Song lý do này đã bị nhiều chuyên gia bác bỏ.

“Vào thời điểm này, quyết định cung cấp hay không thậm chí đã trở thành vấn đề cá nhân của Thủ tướng [Scholz]. Có yếu tố cá nhân bên trong các cân nhắc chính trị. Đó không phải là động lực duy nhất của quyết định, nhưng chắc chắn có đóng một vai trò nào đó” - bà Jessica Berlin, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), nêu quan điểm.

Kyiv Independent dẫn lời một tướng Đức (giấu tên) tiết lộ rằng việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine hoàn toàn là quyết định chính trị và Lực lượng vũ trang Đức không phản đối quyết định này.

Ý kiến của người dân Đức

Còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử quốc hội Đức. Phần lớn các cuộc thăm dò đều cho thấy người dân Đức ủng hộ quyết định của Thủ tướng Scholz về việc không cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Forsa (Đức) thực hiện vào tháng 4 theo đề nghị của kênh truyền hình Đức RTL cho thấy chỉ có 37% người Đức ủng hộ việc chuyển giao Taurus cho Ukraine, trong khi 56% phản đối động thái này.

Trước đó, theo cuộc thăm dò của kênh truyền hình ZDF vào tháng 2, 62% người Đức ủng hộ việc các nước châu Âu cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho Kiev, trong khi 32% phản đối.

Bà Jessica Berlin nhận xét rằng sự ủng hộ của Đức đối với việc cung cấp Taurus cho Ukraine đã giảm trong các cuộc thăm dò. “Nếu người dân Đức hiểu đầy đủ tình hình và bản chất của mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt từ Nga, họ sẽ bớt sợ hãi khi giúp Ukraine tự vệ bằng vũ khí của Đức, và họ sẽ hiểu rằng đầu tư vào quốc phòng của Ukraine cũng chính là đầu tư vào quốc phòng của Đức” - nữ chuyên gia người Đức nói.

Trong khi đó, ông Christian Mölling - một chuyên gia an ninh tại Quỹ Bertelsmann (trụ sở Đức) - nói rằng “mọi người [ở Đức] về cơ bản đã từ bỏ việc tranh luận về tên lửa tầm xa Taurus”.

Tên lửa tầm xa Taurus là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức. Tên lửa này dài 5 m, nặng 1,4 tấn và di chuyển với tốc độ lên tới 1.170 km/giờ (gần bằng tốc độ âm thanh), theo hãng tin Deutsche Welle (DW, Đức).

Với trang bị công nghệ tàng hình Taurus khó bị phát hiện. Ngoài ra, các tên lửa này có tầm bắn lên tới 500 km. Với tầm bắn này, nếu được triển khai tại Ukraine, chúng có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ hôm 26/9 công bố viện trợ quân sự trị giá gần 8 tỷ USD cho Ukraine. Đó là sự hỗ trợ đáng kể, nhưng tờ Kyiv Post cho rằng, đừng mong đợi những thay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN