Tại sao bão cấp 1 có thể gây thiệt hại như bão mạnh nhất

Sự kiện: Bí ẩn khoa học
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bão cấp 1 có thể gây ra thiệt hại không kém những cấp cao hơn do nó đi kèm khả năng gây ngập lụt và sóng trào nguy hiểm.

Bão cấp 1 Ernesto gây lũ quét và mất điện diện rộng ở Puerto Rico. Ảnh: BBC

Bão cấp 1 Ernesto gây lũ quét và mất điện diện rộng ở Puerto Rico. Ảnh: BBC

Khi bão Ernesto được phân loại ở cấp 1, khiến 40% Puerto Rico mất điện và gây ra lũ quét, các nhà khoa học nhấn mạnh những cơn bão cấp thấp có thể gây thiệt hại ngang bão cấp 5. Bão được phân loại từ cấp 1 đến 5 trên thang Saffir-Simpson, trong đó cấp 5 là dữ dội nhất. Thang phân loại trên được phát triển vào thập niên 1970 bởi một kỹ sư kiêm nhà khí tượng học. Bão được xếp bậc dựa theo tốc độ gió duy trì, nhưng thang Saffir-Simpson không tính đến các tác động khác như sóng trào và lượng mưa. Bão ở mọi quy mô đều có thể đi kèm cả hai tác động này.

"Tập trung quá nhiều vào phân loại bão có thể gây nhầm lẫn", Craig Fugate, cựu giám đốc Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (Fema), hiện nay là cố vấn đối phó khủng hoảng, cho biết. "Trong khi sức gió của bão cấp 5 có sức tàn phá không thể nghi ngờ, mối nguy hiểm thực sự nằm ở các đặc điểm khác của cơn bão. Có một nguy cơ lớn khi mọi người đánh giá thấp mối đe dọa của bão cấp 1 do phân loại thấp. Việc tập trung vào tốc độ gió có thể dẫn tới cảm giác an toàn sai lầm".

Bão cấp 1 như Ernesto có thể gây sóng trào nguy hiểm, ngập lụt thê thảm và lốc xoáy, dẫn đến thiệt hại cơ sở hạ tầng như mất điện, tê liệt đường sá và ô nhiễm nguồn nước, kèm theo nhiều tác động nghiêm trọng kéo dài. Trên thực tế, mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống đến từ sóng trào, gây ra bởi nước biển bị dồn vào bờ do sức gió của cơn bão. Mực nước có thể tăng ít nhất 9,1 m. Một nghiên cứu phát hiện 49% ca tử vong liên quan đến bão ở Mỹ do sóng trào gây ra, 27% do ngập lụt từ mưa lớn trong khi chỉ 8% do sức gió.

"Phần lớn thiệt hại đến từ nước, không phải gió", Michael Wehner, nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley chuyên nghiên cứu thay đổi hành vi trong các sự kiện thời tiết cực đoan. "Vấn đề là thang Saffir-Simpson chỉ đơn giản là đo tốc độ gió cao nhất ở bất kỳ thời điểm nào trong cơn bão".

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng lo ngại về mặt an toàn cộng đồng khi phân loại bão theo tốc độ gió. Bão cấp 3 và cao hơn được cho là bão lớn bởi Cơ quan Thời tiết Quốc gia, có nghĩa cộng đồng có thể nhận định những cấp thấp hơn không đáng để lo lắng. Điều cần lưu ý hơn là quy mô cơn bão thay vì tốc độ gió. Bão cấp 1 có thể gây ra thiệt hại lớn ngay cả khi tốc độ gió dưới 153 km/h. Bão Debby, cơn bão cấp 1 khiến 5 người thiệt mạng với ước tính ban đầu về tổn thất vào khoảng 12,3 - 28 tỷ USD. Bão Sandy cũng được phân loại ở cấp 1, là cơn bão gây thiệt hại nhiều thứ 5 từng đổ bộ vào Mỹ, với tổng thiệt hại 88,5 tỷ USD.

Katrina, cơn bão giết chết hơn 1.800 người, đổ bộ vào Louisiana như một cơn bão cấp 3 sau khi suy yếu từ cấp 5 trên biển. Cơn bão gây ngập lụt cao hơn 7,6 - 8,5 m so với thủy triều bình thường ở Mississippi, và cao hơn 3 - 6 m ở đông nam Louisiana. Katrina là cái tên ám ảnh cho thấy sóng trào có thể là nguyên nhân lớn nhất gây thiệt hại lớn về sinh mạng trong một cơn bão, theo Trung tâm bão quốc gia (NHC). "Bão cấp 1 vẫn có thể gây thiệt hại đáng kể đối với cộng đồng địa phương, đặc biệt đối với người sống ở vùng lũ và/hoặc nhà di động", Xilei Zhao, nhà phân tích dữ liệu ở Đại học Florida chuyên về mô hình hành vi sơ tán trong bão, chia sẻ.

Cải thiện dự báo sóng trào có thể giúp cứu sống nhiều sinh mạng, theo Jeane Camelo và Talea Mayo, tác giả nghiên cứu về ảnh hưởng của thang Saffir-Simpson, nhấn mạnh. Họ cũng kết luận biến đổi khí hậu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ sóng trào ở khu vực ven biển. Do đã chi phối cách phân loại bão trong hơn 50 năm, thang Saffir-Simpson có một lợi ích lớn: đây là cách đo giúp nhận biết ngay lập tức độ mạnh của bão. Nhưng theo lời Wehner, công chúng cần biết thang Saffir-Simpson không phản ánh tất cả.

Siêu bão là những cơn bão nhiệt đới khốc liệt, gây thiệt hại nghiêm trọng với sức tàn phá kinh hoàng. Chúng hình thành như thế nào và vì sao lại trở nên chết chóc đến vậy? Cùng tìm hiểu chi tiết về loại hình thời tiết nguy hiểm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Khang (CNN) ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN