Syria trở lại vòng tay "gia đình Arab", Nga-Mỹ có quan điểm trái ngược

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria, hơn một thập kỷ sau khi nước này bị loại trừ vì cuộc xung đột nổ ra năm 2011.

AlJazeera cho biết, quyết định lịch sử nêu trên đã được thông qua tại cuộc họp kín của các ngoại trưởng AL ở trụ sở của khối tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 7/5 (giờ địa phương), tức chưa đầy hai tuần trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới.

Cờ các nước thành viên AL tại một cuộc họp của nhóm. Ảnh: GettyImages

Cờ các nước thành viên AL tại một cuộc họp của nhóm. Ảnh: GettyImages

AL đình chỉ tư cách thành viên của Syria sau khi xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông năm 2011. Việc khôi phục quan hệ với Damascus đã tăng tốc sau thảm họa động đất hồi tháng 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cùng với việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran do Trung Quốc làm trung gian.

Theo quyết định mới nhất của AL, Syria sẽ có thể lập tức tham gia trở lại các phiên họp của liên đoàn. Đây được xem là một nỗ lực của AL nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị do người Arab dẫn đầu trong việc xử lý triệt để cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria.

Một số quốc gia chủ chốt của AL như Ai Cập, Iraq và Arab Saudi thể hiện ủng hộ quá trình trở lại của Syria. Tuy nhiên, vẫn có một số nước, nổi bật là Jordan, Kuwait và Qatar phản đối đưa Damascus trở lại AL tới chừng nào tiến trình hòa giải ở Syria đạt kết quả.

Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit ngày 7/5 nói rằng: "Việc khôi phục tư cách thành viên của Syria không có nghĩa là quan hệ giữa tất cả các nước Arab và Syria được bình thường hóa". "Đó là quyết định mang tính chủ quyền của mỗi quốc gia", ông Gheit nêu.

Đáng chú ý, ông Gheit khẳng định, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể dự họp thượng đỉnh vào ngày 19/5 "nếu ông ấy muốn" và nếu ông nhận được lời mời của nước chủ trì là Arab Saudi. Tuần trước Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan Al Saud đã lần đầu đến thăm Damascus sau một thập kỷ để thảo luận về khả năng khôi phục sứ quán và nối lại các chuyến bay.

Syria cùng ngày kêu gọi các nước Arab thể hiện "sự tôn trọng lẫn nhau" sau động thái của AL, đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự hợp tác và đối thoại để giải quyết những thách thức mà các nước Arab đang đối mặt".

Hơn 10 năm xung đột, Syria đã đối mặt với việc không chỉ bị phương Tây mà còn cả các nước láng giềng Arab cô lập. Việc AL đưa Syria trở lại khối được đánh giá là một thành tựu ngoại giao quan trọng của Tổng thống Syria Assad trong tăng cường vị thế chính trị.

Reuters cho biết, Mỹ đã thể hiện sự khó chịu trước việc Syria trở lại AL. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington "không tin Syria xứng đáng được trở lại AL vào thời điểm hiện tại" và quả quyết rằng, các biện pháp trừng phạt chống Damascus vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Phía Mỹ còn thể hiện "hoài nghi về việc Tổng thống Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria", dù Washington chia sẻ các mục tiêu của các đối tác Arab liên quan đến Syria, bao gồm việc thiết lập an ninh và ổn định.

Trái ngược với Mỹ, Nga hoan nghênh AL đưa Syria trở lại "gia đình Arab". "Chúng tôi trộng đợi các nước Arab sẽ tăng cường trợ giúp Syria giải quyết các vấn đề tái thiết sau xung đột, vốn rất phức tạp do các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp", Bộ Ngoại giao Nga nêu.

Công bố video tiêm kích Su-35 Nga mang vũ khí áp sát chiến đấu cơ Mỹ ở Syria

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ngày 19/4 công bố video tiêm kích Su-35 Nga chặn máy bay quân sự Mỹ trên bầu trời Syria trong hai vụ việc khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN