Syria đang tự 'cởi trói' và thách thức với Mỹ ở Trung Đông

Syria đang từng bước tự “cởi trói” khỏi tình trạng bị cô lập sau nội chiến, điều được cho là sẽ gây nhiều thách thức với Mỹ ở Trung Đông.

Một diễn biến thu hút sự chú ý hiện nay tại Trung Đông là các bước đi của Syria nhằm từng chút “cởi trói” khỏi tình trạng bị cô lập từ sau khi nội chiến xảy ra năm 2011.

Syria bị trói và dần cởi trói như thế nào?

Nội chiến xảy ra, Syria bị Mỹ (và Liên minh châu Âu) trừng phạt nặng nề và cô lập về ngoại giao nhằm làm áp lực để chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng ý tiến đến một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, chấm dứt nội chiến. Cũng trong năm 2011, Syria bị Liên đoàn Ả Rập đình chỉ tư cách thành viên và trừng phạt kinh tế. Các quốc gia Ả Rập có đa số người Sunni, một số quốc gia vùng Vịnh, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quân nổi dậy Syria và cắt đứt quan hệ với chính phủ ông al-Assad.

Thế cô lập ngoại giao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt được giới quan sát cho là sự thừa nhận rằng các lực lượng đối lập tìm cách lật đổ ông đã thất bại trong cuộc nội chiến kéo dài 12 năm.

Năm 2015, quân đội ông al-Assad suy yếu nghiêm trọng, bất chấp sự hỗ trợ của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah. Tháng 9-2015, Nga can thiệp vào Syria theo lời thuyết phục của tướng Iran Qassem Soleimani với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông al-Assad dần giành lại quyền kiểm soát các tỉnh, hiện nắm giữ hơn 60% lãnh thổ Syria.

Các bước đi “cởi trói” của Syria phần lớn bắt đầu từ đầu năm nay. Tháng 3, Tổng thống al-Assad thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Putin về triển vọng giải quyết một cách toàn diện các vấn đề của Syria và khu vực, theo hãng thông tấn TASS.

Đến ngày 7-5, Liên đoàn Ả Rập tái kết nạp Syria, một động thái được cho là mở đường cho nỗ lực bình thường hóa quan hệ với chính phủ ông al-Assad sau hơn một thập niên “đóng băng”, hãng Reuters đưa tin. Ông al-Assad hôm 10-5 được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập tại Saudi Arabia vào ngày 19-5, tín hiệu quan trọng cho thấy thế cô lập Syria trong khu vực đã được phá.

Nỗ lực “cởi trói” của Syria tiến thêm bước quan trọng nữa với cuộc đàm phán hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga và Iran làm trung gian. Cuộc gặp ngày 10-5 tại Moscow là lần tiếp xúc cấp cao nhất giữa Ankara và Damascus kể từ cuộc nội chiến Syria. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kỳ vọng cuộc gặp sẽ mở đường cho việc soạn thảo lộ trình bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Các phái đoàn ngoại giao Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gặp nhau tại Moscow (Nga) vào ngày 10-5. Ảnh: AP

Các phái đoàn ngoại giao Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gặp nhau tại Moscow (Nga) vào ngày 10-5. Ảnh: AP

Ngày 9-5, Saudi Arabia (nước từng ủng hộ các nhóm đối lập lật đổ ông al-Assad) và Syria cùng thông báo sẽ mở lại các cơ quan đại diện ngoại giao tương ứng. Tháng 12-2018, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã mở đại sứ quán tại Damascus. Nhớ lại hồi năm 2016, UAE đã nỗ lực nối lại quan hệ ngoại giao với Syria nhưng bị Mỹ ngăn cản. Ngoài ra, những năm gần đây còn một số quốc gia Ả Rập khác như Oman và Bahrain đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria.

Thách thức không nhỏ với Mỹ

Việc Syria phá thế cô lập là một thách thức không nhỏ với Mỹ ở Trung Đông, trên cả chiến trường và về ảnh hưởng địa chính trị.

Mỹ hiện còn khoảng 900 lính ở Syria với sứ mệnh tiêu diệt tàn dư tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và huấn luyện các tay súng người Kurd. Những tháng gần đây, song song với việc chính phủ ông al-Assad có các bước đi ngoại giao, lực lượng Mỹ ở Syria đã gặp nhiều diễn biến thách thức.

Gần đây Mỹ ghi nhận phía Nga có động thái tăng quan sát, tiếp cận các vị trí lính Mỹ ở Syria. Cụ thể, trang tin quân sự Stars and Stripes dẫn lời Trung tướng Alexus Grynkewich, Tư lệnh lực lượng không quân trung tâm (AFCENT), chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Trung Đông ngày 7-3 rằng gần đây phía Mỹ ghi nhận có sự gia tăng hoạt động của không quân của Nga ở các vùng không phận do Mỹ kiểm soát ở Syria. Với việc chính phủ Syria mở rộng ảnh hưởng, không loại trừ khả năng các hoạt động từ phía Nga ở chiến trường Syria cũng sẽ mạnh hơn.

Cuối tháng 3 xảy ra hàng loạt không kích trả đũa nghiêm trọng giữa lực lượng Mỹ và các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria. Với các bước đi tăng ảnh hưởng của chính phủ Syria, khả năng thời gian tới Mỹ sẽ phải bận rộn hơn để đối phó, canh chừng. Tờ Washington Post ngày 7-5 đưa thông tin tình báo mật của Mỹ rằng Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã vận chuyển vũ khí bí mật vào Syria bằng cách giấu trong hàng viện trợ nhân đạo sau động đất. Số vũ khí này được cho là có khả năng nhằm tấn công lính Mỹ ở Syria.

Một yếu tố thách thức nữa với Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn ở Syria là một trong những vấn đề căng thẳng lớn giữa hai đồng minh NATO này. Ankara lâu nay phản đối Mỹ ủng hộ nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) gồm các tay súng người Kurd mà nước này cho là “cánh tay nối dài” của nhóm khủng bố Đảng Công nhân người Kurd ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ hòa giải với Syria, khả năng tới đây Mỹ sẽ đau đầu hơn trong xử lý sự đối đầu giữa Ankara và YPG.

Về thách thức địa chính trị, việc Liên đoàn Ả Rập tái kết nạp Syria cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đối với các đồng minh Ả Rập đã và sẽ còn bị ảnh hưởng. Mỹ (và cả Anh) phản đối gay gắt việc Liên đoàn Ả Rập tái kết nạp Syria, vì cho rằng nước này “chưa xứng đáng”, theo hãng tin AP.

Về Nga và Iran, với việc làm trung gian hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, ảnh hưởng của Moscow và Tehran ở khu vực sẽ tăng lên và đây là điều không mong muốn với Mỹ.

Theo giới quan sát, thời điểm này có vẻ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang dần bớt chính sách cứng rắn chống lại ông al-Assad. Hồi tháng 2, sau trận động đất kinh hoàng ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã đình chỉ trong 180 ngày Đạo luật Caesar được Mỹ ký năm 2019 trừng phạt ông al-Assad và chính phủ Syria.

Còn nhớ trong loạt tấn công trả đũa qua lại giữa Mỹ - Iran hồi cuối tháng 3. Sau khi Iran tấn công UAV vào các căn cứ Mỹ ở Syria, Tổng thống Biden đã thận trọng không đi bước leo thang thêm nữa.

Bối cảnh nào ông Erdogan muốn hòa giải với Syria?

Những nỗ lực hướng tới hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ - Syria diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang chịu áp lực mạnh trong nước về việc đưa người tị nạn Syria trở về nước trong bối cảnh kinh tế nước nhà suy thoái nghiêm trọng và tâm lý bài người tị nạn ngày càng tăng.

Ông Erdogan cũng đang tái tranh cử. Cả hai cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ cùng diễn ra trong ngày 14-5.

Syria và Ả Rập Saudi khôi phục quan hệ, đánh dấu bước lùi của Mỹ

Tổng thống Syria Bashar al-Assad củng cố sự trở lại của quốc gia với cộng đồng Ả Rập khi đồng minh của Mỹ là Ả Rập Saudi thông báo hai nước nối lại quan hệ ngoại giao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN