Sức nóng Trung Đông liệu có quyết định bầu cử Mỹ?

Sức nóng Trung Đông không chỉ bao trùm Israel, Hamas, các nhóm ủy nhiệm thân Iran, lực lượng Mỹ và đồng minh ở khu vực, mà lan cả đến bên trong nước Mỹ và cuộc tranh cử tổng thống nước này.

Hơn ba tháng xung đột Israel - Hamas bùng phát kéo theo loạt diễn biến nóng ở Trung Đông, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hứng tranh cãi cả từ quốc tế lẫn trong nước. Các động thái của Mỹ không thể vừa làm vừa lòng đồng minh Israel vừa xoa dịu được thế giới Ả Rập, thêm nữa xung đột Trung Đông cũng khiến lực lượng Mỹ ở khu vực này phải chịu thêm rủi ro.

Sức nóng Trung Đông cũng đã lan đến cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ và theo giới quan sát, diễn biến này có thể là yếu tố mang tính tác động đến cuộc bầu cử Mỹ trong năm nay.

Ông Trump lên tiếng

Những ngày qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhân vật được cho sẽ là đối thủ chính của Tổng thống Biden trong cuộc tái đấu vào cuối năm nay liên tục có các phát ngôn chỉ trích các động thái từ chính quyền hiện tại với tình hình Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) chụp ảnh với người gốc Ả Rập trong buổi tiệc chiêu đãi kỷ niệm kết thúc tháng ăn chay Ramadan tại Nhà Trắng ngày 1-5-2023. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) chụp ảnh với người gốc Ả Rập trong buổi tiệc chiêu đãi kỷ niệm kết thúc tháng ăn chay Ramadan tại Nhà Trắng ngày 1-5-2023. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo trang tin Politico, sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đỏ phát động không kích các mục tiêu nhóm vũ trang Houthis ở Yemen, viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 12-1, ông Trump chỉ trích chính quyền ông Biden “đang ném bom khắp Trung Đông”, nơi ông “đã đánh bại IS” (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Trong bài đăng, ông Trump cũng chỉ trích chính quyền ông Biden liên quan việc rút quân bất thành khỏi Afghanistan vào năm 2021 và cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới phía Nam.

Từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, ông Trump nhiều lần lên tiếng rằng khi còn làm tổng thống Mỹ, ông đã tạo dựng hòa bình ở Trung Đông bằng Hiệp định Abraham.

“Với Hiệp định Abraham lịch sử, tôi thậm chí còn tạo dựng hòa bình ở Trung Đông, chúng ta sẽ có hòa bình ở Trung Đông. Vì vậy, trong bốn năm liên tiếp, tôi đã giữ cho nước Mỹ được an toàn. Tôi đã giữ cho Israel được an toàn” - ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Iowa (Mỹ) vào đầu tháng 12-2023.

Không thể bỏ qua nhóm cử tri gốc Ả Rập, người Hồi giáo

Theo tờ The Conversation, thường cử tri Mỹ sẽ quan tâm các vấn đề trong nước khi có bầu cử, song với khối cử tri được đánh giá ngày càng có ảnh hưởng - người gốc Trung Đông và người theo đạo Hồi thì cuộc chiến ở Trung Đông có thể là điều họ nghĩ tới đầu tiên.

Cộng đồng người gốc Ả Rập đã bỏ phiếu áp đảo cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tuy nhiên sự ủng hộ này có thể không còn khi ông Biden chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Nhiều nhà lãnh đạo gốc Trung Đông và Hồi giáo kêu gọi các cộng đồng này “bỏ rơi ông Biden”.

Theo điều tra dân số năm 2020, Mỹ có 3,5 triệu người gốc Trung Đông và Bắc Phi, chiếm gần 1% trong 335 triệu dân. Tuy nhiên, The Conversation lưu ý rằng kết quả bầu cử tổng thống nhiều khả năng phụ thuộc kết quả ở một số bang chiến trường, mà những bang này lại tập trung người gốc Trung Đông và theo đạo Hồi như Michigan, Virginia, Georgia, Pennsylvania và Arizona.

Thăm dò của New York Times/Siena College vào tháng 12-2023 cho thấy lượng người Mỹ muốn Israel tiếp tục chiến dịch quân sự và muốn chiến dịch này dừng lại gần như bằng nhau.

Ví dụ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Biden thắng ở bang Michigan với tổng số 154.000 phiếu bầu. Bang này là nơi có các nhóm chồng chéo gồm hơn là 200.000 cử tri Hồi giáo và 300.000 người gốc Trung Đông và Bắc Phi.

Theo khảo sát của Viện người Mỹ gốc Ả Rập, từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, tỉ lệ ủng hộ của người gốc Ả Rập dành cho đảng Dân chủ giảm mạnh từ 59% vào năm 2020 xuống chỉ còn 17% vào cuối năm 2023. Ở người theo đạo Hồi, mức giảm còn mạnh hơn, từ 70% vào năm 2020 xuống còn 10% vào cuối năm 2023. Nếu những con số này đúng cho đến ngày 7-11, cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ là lần đầu sau gần 30 năm Dân chủ không phải là đảng được cử tri gốc Ả Rập lựa chọn.

Song theo The Conversation, điều đó không nhất thiết có nghĩa là những cử tri này sẽ theo đảng Cộng hòa. Năm 2020, tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã không được lòng cử tri gốc Ả Rập và Hồi giáo, phần lớn do sắc lệnh cấm nhập cảnh người nhập cư từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Ông Biden lật ngược lệnh cấm này ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2021. Và ông Trump trong những lần đi tranh cử đã hứa sẽ khôi phục chính sách này một khi tái đắc cử.

Cũng không loại trừ khả năng số phiếu của người gốc Trung Đông và người Hồi giáo dành cho các ứng viên Cộng hòa và Dân chủ tranh cử tổng thống năm nay sẽ giảm 50% so với năm 2020, do những cử tri này quyết định ở nhà hoặc bỏ phiếu cho bên thứ ba.

Ví dụ, nếu điều này xảy ra ở bang Michigan có nghĩa là ông Biden khả năng sẽ mất khoảng 1/3 trong 154.000 phiếu bầu mà ông giành được trước ông Trump vào năm 2020.

Michigan không phải là bang duy nhất mà việc vắng mặt cử tri các cộng đồng này có thể gây nguy hiểm cho triển vọng chiến thắng của ông Biden. Tỉ lệ cử tri gốc Trung Đông, Bắc Phi và Hồi giáo đi bỏ phiếu nếu giảm sẽ đủ xóa đi khoảng cách chiến thắng năm 2020 của ông Biden ở bang Arizona và cả ở bang Georgia.

Tất nhiên, cử tri gốc Ả Rập không phải là những người duy nhất có khả năng trừng phạt ông Biden hay ông Trump tại thùng phiếu vào tháng 11 tới vì chính sách đối ngoại của hai ông.

Tranh cãi quanh Hiệp định Abraham

Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số nước Ả Rập (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Sudan và Maroc) vào năm 2020.

Thời điểm năm 2020, ông Trump nói rằng các thỏa thuận sẽ “đóng vai trò là nền tảng cho nền hòa bình toàn diện trên toàn khu vực”. Song nhiều chuyên gia, trong đó có nhà nghiên cứu Omar H. Rahman tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu (Qatar) chỉ ra rằng không bên nào tham gia Hiệp định Abraham từng xung đột quân sự với nhau, vì vậy không thể coi việc bình thường hóa là hòa bình.

Trao đổi với Fox News năm 2020, ông Trump khẳng định “chắc chắn một phần” của hiệp định là để gây áp lực buộc Palestine và Israel đàm phán hòa bình. Song theo nhà sử học Osamah Khalil nghiên cứu về quan hệ đối ngoại của Mỹ và Trung Đông tại ĐH Syracuse (Mỹ), Hiệp định Abraham giúp giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Theo ông Aaron David Miller - cựu cố vấn cho các ngoại trưởng Mỹ về đàm phán Palestine - Israel, hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Mỹ), hiệp định này khiến người Palestine bị cô lập và cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel rõ ràng cho thấy “hòa bình ở Trung Đông giữa Israel và các láng giềng vẫn là mục tiêu rất xa vời”.

Ông Jeremy Pressman - Giám đốc nghiên cứu Trung Đông tại ĐH Connecticut (Mỹ) chỉ ra xung đột Ả Rập - Israel tồn tại ba mối quan hệ xung đột lớn gồm: Israel - Lebanon (đặc biệt Israel - Hezbollah), Israel - Palestine, Israel - Syria và “không có cuộc xung đột nào trong số ba cuộc xung đột này được cải thiện nhờ Hiệp định Abraham”.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử năm 2024, được cho là giành chiến thắng một cách dễ dàng ở Iowa - bang đầu tiên trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN