Sức mạnh tàu sân bay hạt nhân Pháp điều đi tiêu diệt IS
“Tôi không nói về việc ngăn chặn mà là tiêu diệt hoàn toàn IS”, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói về sứ mệnh tới đây của tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle.
Charles de Gaulle là “át chủ bài” của Hải quân Pháp và là chiến hạm lớn nhất Tây Âu hiện tại. Đây là tàu sân bay thứ 10 của Pháp và là chiếc tàu hạt nhân đầu tiên của quân đội Pháp. Charles de Gaulle là chiếc tàu hạt nhân đầu tiên và duy nhất trên thế giới không thuộc quân đội Mỹ ở thời điểm này. Tàu được đặt tên theo danh tướng Charles de Gaulle (1890-1970).
Charles de Gaulle là tàu chiến lớn nhất Tây Âu
Biên chế đầy đủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle là một phi đội các máy bay chiến đấu do Pháp sản xuất gồm Dassault-Breguet Super Étendard, Dassault Rafale M, E 2C Hawkeye; trực thăng AS532 Cougarhelicopter và EC725 Caracal thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cũng như hệ thống điện tử hiện đại và tên lửa Aster.
Đây là tàu sân bay lớp CATOBAR sử dụng 2 bệ phóng máy bay 75 m C13 3 phiên bản ngắn hơn so với hệ thống trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Nhờ hai bệ phóng này mà Charles de Gaulle là con tàu duy nhất không phải do Mỹ sản xuất có thể phóng máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet hoặc máy bay chở hàng C-2 Greyhound.
Tàu trang bị 2 động cơ hạt nhân PWR Type K15 có thể hoạt động liên tục 5 năm
Charles de Gaulle được hạ thủy năm 1994 và chính thức bàn giao cho Hải quân Pháp năm 2000. Tàu dài 261,5 m, rộng 64,36 m, đường băng dài 196 m. Lượng giãn nước tối đa 42.000 tấn, tốc độ 50 km/giờ. Thủy thủ đoàn là 1.350 người. Tàu có thể đáp ứng lương thực liên tục trong 45 ngày.
Charles de Gaulle được trang bị 2 hệ thống phòng không Sylver với 32 tên lửa phòng không Aster; 2 giàn phóng Sadral bắn tên lửa Mistral; 4 tháp súng 12,7 mm; 8 khẩu pháo 20 mm. Tàu Charles de Gaulle có thể chở theo 550 tấn vũ khí và 3.400 tấn nhiên liệu. Tàu có hệ thống CMS Model 8 có khả năng theo dõi 2.000 mục tiêu trên không, trên biển và trên bờ cùng lúc, theo Global Security.
Đội bay thường trực trên tàu gồm 12 chiến đấu cơ Rafale, 9 chiếc Super Etendard, 2 máy bay do thám Hawkeye, 2 trực thăng chiến đấu Dauphin và 1 trực thăng Alouette.
Đội tàu hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle gồm một tàu khu trục phòng không, một tàu khu trục chống ngầm, một tàu tiếp dầu, một tàu khu trục của Anh, một tàu ngầm hạt nhân tấn công, và nhiều tàu của các nước khác có thể tham gia đội hộ tống.
Tháng 1.2015, tàu sân bay Charles de Gaulle bắt đầu diễn tập ở Ấn Độ Dương. Cuối tháng 2, tàu tiến vào vịnh Ba Tư để tham gia vào Chiến dịch Chammal chống lại IS ở Iraq. Pháp là quốc gia đầu tiên tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tiêu diệt IS. Pháp điều động 15 chiến đấu cơ, một máy bay do thám và một máy bay tiếp nhiên liệu đặt ở các quốc gia láng giềng.
Việc bổ sung thêm tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ cung cấp thêm 30 chiếc máy bay nữa cho sứ mệnh tiêu diệt khủng bố của Pháp. Charles de Gaulle và các tàu hộ tống đến vịnh Ba Tư vào ngày 15.2.2015 và bắt đầu không kích từ ngày 22.2. Các đợt oanh tạc được tiến hành 7 tuần sau khi tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công khiến 12 người thiệt mạng.
Cuộc tấn công đẫm máu ở Paris đêm 13.11 khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, 352 người bị thương trong đó 99 nạn nhân nguy kịch.
Khi cất cánh từ bờ biển phía Bắc của Bahrain, các chiến đấu cơ như Rafale và Super Étendard chỉ mất nửa thời gian để tới các địa điểm cần oanh tạc so với việc bay từ UAE.
Tàu Charles de Gaulle tời vịnh Ba tư cuối tháng 4.2015 để tham gia tập trận chung với Ấn Độ. Trong hai tháng ở khu vực này, tàu sân bay Charles de Gaulle thực hiện trung bình từ 10-15 vụ oanh kích mỗi ngày.
Ngày 5.11.2015, Pháp tuyên bố sẽ điều động tàu sân bay Charles de Gaulle quay trở lại khu vực trên để tiến hành tấn công IS. Vụ thảm sát đẫm máu ở Paris đêm thứ Sáu 13.11 vừa qua càng làm Pháp quyết tâm “tiêt diệt tận gốc IS”.